PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN LÒ THỊ LUYẾN: ĐỊA PHƯƠNG VÀ NGƯỜI DÂN MONG CHỜ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI!

25/11/2023

Nhất trí với việc cần có nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến tin tưởng, mục tiêu và hiệu quả của 3 chương trình chắc chắn sẽ đạt được. “Sau giám sát tối cao, các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ nghị quyết này của Quốc hội”.

Theo dòng sự kiện

ĐBQH Lò Thị Luyễn (Điện Biên) phát biểu tại hội trường - Ảnh: Bách Thuận

Phóng viên: Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức giám sát giữa kỳ, đồng thời đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của chuyên đề giám sát này?

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Thực ra, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chính là do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đề xuất (duy nhất 1 ý kiến). Bởi qua thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn trước, chúng tôi nhận thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời. Trong đó, nhiều nội dung nếu được triển khai tốt sẽ tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng đã bị mất đi cơ hội.

Báo cáo của Đoàn giám sát đã phản ánh đầy đủ tình hình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thực tiễn; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời ghi nhận kiến nghị, đề xuất của các địa phương. Tại phiên giám sát tối cao, ý kiến của các đại biểu được Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, quan tâm, tiếp thu. Cá nhân tôi rất vui và cảm thấy có năng lượng tích cực để phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của một đại biểu. Tôi cũng hy vọng sau chuyên đề giám sát này, những khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu các chương trình đề ra.

Phóng viên: Thực tế quá trình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tại Điện Biên gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình mới nhưng rất lớn, nhiều ngành, cơ quan, lĩnh vực cùng thực hiện. Quá trình thực hiện thời gian qua, tôi thấy có hai vướng mắc lớn nhất là văn bản hướng dẫn và giao vốn sự nghiệp.

Về văn bản hướng dẫn, sau khi có nghị quyết của Quốc hội và phê duyệt của Chính phủ, Tỉnh ủy Điện Biên đã chỉ đạo thực hiện ngay; Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo. Tuy nhiên, do khối lượng văn bản lớn, dẫn chiếu phức tạp, nên địa phương gặp khó khăn. Với những văn bản chưa hiểu thì phải hỏi lại cơ quan Trung ương, gây mất thời gian. Vì vậy tới tháng 6.2023, Điện Biên mới ban hành đầy đủ văn bản.

Tất cả dự án trong Chương trình đều được thiết kế từ khảo sát nhu cầu thực tế địa phương, rất cần thiết, nhưng tổ chức thực hiện trên thực tế và đưa đến các đối tượng thì phải đủ căn cứ pháp lý. Ví dụ như dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phụ trách, sổ tay hướng dẫn của Hội và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính có những nội dung chưa khớp nhau. Vì vậy, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải ngân và thanh quyết toán. Theo tôi, đã là tiền của Nhà nước thì một đồng chi ra cũng phải có cơ sở pháp lý rõ ràng mới không để lại hậu quả cho người thực hiện.

Về phân bổ vốn, nguồn vốn đầu tư không có vấn đề gì vì đã phân bổ theo giai đoạn, dự án nào với mức tiền bao nhiêu. Tuy nhiên, nguồn vốn sự nghiệp gặp ách tắc, có dự án chưa chuẩn bị kịp, lại có dự án đã chuẩn bị sẵn nhưng không được giao vốn. Vì vậy, Chính phủ đã có đề xuất thực hiện như chương trình nông thôn mới, đó là Trung ương giao tổng vốn, địa phương chủ động phân bổ. Thực tế khi thực hiện chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững các giai đoạn trước, Điện Biên phải trả lại rất nhiều vốn sự nghiệp, do vướng hành lang pháp lý. Trong khi đây là nguồn vốn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương, phải trả lại là rất đáng tiếc và lãng phí.

Phóng viên: Hai vướng mắc bà vừa nêu không chỉ xảy ra với riêng Điện Biên mà là tình trạng chung của các tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình. Chưa kể nhiều vấn đề mới có thể tiếp tục phát sinh trong quá trình triển khai. Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Chính phủ đã có tờ trình và báo cáo đánh giá tác động kèm theo tờ trình về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tôi nhất trí với đề xuất giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành nghị quyết theo quy trình rút gọn.

7 nội dung Chính phủ trình Quốc hội đều vượt thẩm quyền của Chính phủ. Nếu những khó khăn, vướng mắc từ thực tế tổ chức thực hiện 3 chương trình được tháo gỡ bằng một nghị quyết của Quốc hội quy định về cơ chế, chính sách đặc thù như Chính phủ trình thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, mục tiêu và hiệu quả của chương trình chắc chắn sẽ đạt được.

Sau giám sát tối cao, các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ nghị quyết này của Quốc hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác