Thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, đa số, đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính và các địa phương trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài. Việc thực hiện một số kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến còn chậm, chưa kịp thời. Đại biểu Phạm Thị Kiều, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông chia sẻ quan điểm.
Đại biểu Phạm Thị Kiều, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Phóng viên: Từ thực tế hoạt động đại biểu tại địa phương, bà nhận thấy những tồn tại hạn chế nào trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được khắc phục?
ĐBQH Phạm Thị Kiều: Qua thực tế công tác tại địa phương có một thực trạng là việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, dừng lại ở việc chuyển đơn; đối với một số đơn thư hợp lệ thì bao gồm các bước nhận đơn, đọc đơn, chuyển đơn, nhận trả lời đơn là chủ yếu.
Theo tôi, nguyên nhân từ nhiều khía cạnh. Thứ nhất, khi công dân nộp đơn thường cung cấp đầy đủ các hồ sơ tài liệu có liên quan như hồ sơ về đất đai; còn các đơn có nội dung khác thường cung cấp không đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc. Vì vậy, đoàn đại biểu Quốc hội không nắm bắt được hết nội dung, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu hay đã giải quyết nhiều lần đơn thuần dựa trên dữ liệu nội dung đơn để phân loại xử lý. Vì vậy, có trường hợp chuyển đơn đến cơ quan không còn thẩm quyền giải quyết là điều không tránh khỏi.
Thứ hai, chưa có một số hướng dẫn cụ thể về văn bản trả lời của các cơ quan, đơn vị, ngoại trừ các vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù phức tạp kéo dài thì thông thường khi đoàn đại biểu Quốc hội nhận được văn bản trả lời rất vắn tắt, mang tính chất thông báo vụ việc này đã được giải quyết hay chưa mà không có giải trình rõ ràng quy trình giải quyết nên cũng không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc. Kéo theo đó, các tài liệu liên quan đến vụ việc không được cung cấp khiến đoàn đại biểu Quốc hội không theo dõi được cơ quan, đơn vị có trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm khiếu nại, tố cáo của người dân hay không và việc gửi đơn nhiều lần, liên tục là đương nhiên.
Ngoài ra, chưa có chế tài đủ mạnh cho việc nếu các cơ quan, tổ chức, đơn vị không phúc đáp đơn cho đoàn đại biểu Quốc hội thì chịu trách nhiệm xử lý vi phạm nào, nên các cơ quan, tổ chức, đơn vị quá hạn trả lời, phải đôn đốc nhiều lần, từ đó mới dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên nên dẫn đến việc tham mưu, đề xuất giám sát việc giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn kiến nghị chưa thực hiện được nhiều.
Trong khi đó, đa số các đại biểu Quốc hội tại địa phương là kiêm nhiệm, nhưng lực lượng tham mưu, giúp việc còn mỏng nên việc chủ động tổ chức thực hiện tiếp công dân của đoàn đại biểu Quốc hội ở một số địa phương còn hạn chế, còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của đoàn đại biểu Quốc hội. Hơn nữa, đại biểu Quốc hội không có chức năng giải quyết trực tiếp vụ việc, muốn tổ chức thì phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan, mà điều này phụ thuộc vào thời gian bố trí công tác của các cơ quan, đơn vị.
Phóng viên: Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu có kiến nghị gì?
ĐBQH Phạm Thị Kiều: Theo tôi, nhằm hạn chế trường hợp nhiều vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đã được các cơ quan trung ương và địa phương rà soát, có thông báo chấm dứt việc thụ lý, giải quyết nhưng đoàn đại biểu Quốc hội vẫn chuyển đơn. Do vậy, đối với các địa phương, cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc, vì đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động theo nhiệm kỳ nên thực tế cho thấy tồn tại nhiều công dân, vụ việc chờ đến nhiệm kỳ sau để tiếp tục khiếu nại, tố cáo, gây khó khăn cho đoàn đại biểu Quốc hội khóa sau. Đối với trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đơn ngoài tỉnh hoặc đến các cơ quan trung ương mà tình hình một vụ việc, một công dân hoặc tổ chức gửi một lúc đơn thư đến đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng nhiều. Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
Hai là phải nhanh chóng thiết lập quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót. Việc này phù hợp với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong các vụ việc hành chính hiện nay là nguyên tắc sửa sai, văn hóa xin lỗi, nhận lỗi của người có trách nhiệm.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!