ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ YẾN - TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU: QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ, KHẮC PHỤC BẤT CẬP TRONG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN THỰC TẾ

09/11/2023

Chiều 08/11, thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nêu rõ việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay; đồng thời đề nghị rà soát các quy định của Luật thật sự chặt chẽ, đảm bảo khi luật có hiệu lực phải khắc phục được bất cập.

Theo dòng sự kiện

Quy định chặt chẽ, khắc phục được những bất cập trong đấu giá tài sản hiện nay

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nêu rõ, qua 06 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa; trình tự, thủ tục áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Tuy nhiên, trong tình hình phát triển chung của đất nước, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục đấu giá; một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước); chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá bộc lộ một số vướng mắc…Do vậy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nhất trí việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đánh giá sát tình hình thực tiễn, thể chế hóa các quy định của Luật cho thật sự chặt chẽ, đảm bảo khi luật có hiệu lực phải khắc phục được tình trạng hiện nay đang xảy ra trong thực tiễn đó là: Phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường; tình trạng ép giá, thổi giá; quân xanh, quân đỏ, năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá chưa đáp ứng yêu cầu đấu giá.

Bổ sung về điều khoản hủy kết quả đấu giá

Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về hủy kết quả đấu giá tài sản, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm quy định về trường hợp huỷ kết quả trúng đấu giá tài sản vào khoản 24 Điều 1 trong trường hợp: “Người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Đại biểu lý giải, hiện nay khoản 21, Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định sau khi người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất... Trường hợp họ không nộp tiền hoặc không nộp theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Do đó, dự thảo Luật này cần luật hóa quy định trên; đồng thời cũng cần bổ sung thống nhất vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung về điều khoản hủy kết quả đấu giá trong trường hợp “có sai sót về trình tự, thủ tục trước khi người có tài sản ký hợp đồng đấu giá với đơn vị đấu giá tài sản”. Đại biểu nêu rõ, trên thực tế, có một số trường hợp sau khi công nhận kết quả đấu giá, người trúng đấu giá không thể thực hiện các bước tiếp theo do trong quá trình thực hiện, các cơ quan có tài sản bán đấu giá hoặc cơ quan được giao thực hiện bán đấu giá tài sản có sai sót về trình tự, thủ tục trước khi có quyết định đấu giá.

Dự thảo Luật quy định: “... Bước giá có thể là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định” Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉ quy định “bước giá” tối thiểu của các lần trả giá mà không nên quy định mức tối đa hoặc mức cố định. Bởi nếu quy định mức tối đa hoặc mức cố định sẽ không đảm bảo tính linh hoạt trong đấu giá và quyền được ra bước giá cao của người mua đấu giá.

Về sửa đổi bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39 về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước tại khoản 13, Điều 1 dự án Luật, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 39 của dự Luật nội dung: Trường hợp có thay đổi các thông tin về nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 57 phải được sự đồng ý của những người tham gia đấu giá tài sản đã nộp tiền đặt trước. Trong trường hợp họ không đồng ý với sự thay đổi đó, thì được quyền lấy lại tiền đặt trước để đảm bảo phù hợp với khoản 4, Điều 57.

Xem xét bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá bỏ cọc

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản mà dự thảo Luật chưa có quy định.

Theo đó, về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản được quy định tại khoản 1, Điều 33 của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi khoản này theo hướng quy định rõ hợp đồng đấu giá tài sản được ký kết giữa 02 bên là gắn với 01 tài sản đấu giá hay 01 lần đấu giá. Vì hiện điều luật không quy định nên trong thực tiễn xảy ra tình trạng nếu 01 tài sản bán đấu giá không thành, các lần bán tiếp theo phải ký tiếp phụ lục hợp đồng, phát sinh thêm thủ tục đấu giá tài sản.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều khoản quy định về việc chuyển giao và lưu trữ hồ sơ trong trường hợp các tổ chức đấu giá chấm dứt hoạt động. Cân nhắc bổ sung điều khoản quy định về Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản theo hướng là đấu giá viên hoặc người người đã từng công tác và giữ các chức danh tư pháp tương đương.

Đề nghị quy định công khai các nội dung quan trọng về đấu giá tài sản trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đấu giá, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị đấu giá. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định: Tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm, v..v.. đều phải được gửi và đăng công khai trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu bất kỳ thông tin nào, sẽ là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá; nhất là công bố thông tin đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị đồng thời cân nhắc tăng thêm thời gian để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đấu giá so với quy định hiện nay chỉ có 18 ngày là quá ít, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ.

Đề nghị xem xét bổ sung quy định xử lý tài sản bán đấu giá không thành tại khoản 3, Điều 52 Luật Đấu giá tài sản. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm rõ, tại khoản 3, Điều 52 Luật Đấu giá tài sản thì mỗi loại tài sản bán đấu giá không thành có cách xử lý khác nhau hoặc theo thỏa thuận giữa 02 bên, hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án dân sự, thì tại khoản 5 Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự có cho phép sau mỗi lần bán đầu giá không thành, thì mỗi lần đấu giá sau sẽ được giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó. Trong khi đó, các loại tài sản khác (không phải tài sản đấu giá thi hành án) lại không được áp dụng cơ chế này mà vẫn phải đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên. Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản này kéo dài không hiệu quả. Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn về việc giảm giá 10% của tài sản bán đấu giá để thi hành án, nếu phù hợp thì thể chế hoá vào dự án Luật cho phép áp dụng rộng rãi cho các loại tài sản khác như tài sản đấu giá thi hành án.

Ngoài ra, thực tiễn thời gian vừa qua, đã xảy ra các trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc không nộp tiền để nhận tài sản trúng đấu giá, đặc biệt là đối với các tài sản có giá trị rất lớn, nhưng Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa có chế tài về việc người đấu giá bỏ cọc. Luật chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền, thì mất tiền cọc. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định các tài sản mà do Nhà nước quản lý khi đấu giá, thì không được bỏ cọc. Nếu có người bỏ cọc thì cần bổ sung, điều chỉnh sửa chế tài về hành vi bỏ cọc này, có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc 30% giá trị tài sản đấu giá, để tránh đấu giá thành rồi bỏ cọc.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác