Thực hiện kỳ họp thứ 6, Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống chính trị đã rất nỗ lực trong việc duy trì ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thực tiễn và ý kiến của cử tri, đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy có một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm và nên sớm có các giải pháp quyết liệt để giải quyết, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tình hình thực tế tại một số địa phương trong thời gian qua cho thấy: Nếu nhìn vào bảng thống kê tỷ trọng kinh tế số trên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022, với các vị trí đứng đầu thuộc về các tỉnh, thành phố (như Bắc Ninh 56,83%, Thái Nguyên 42,49%, Bắc Giang 42,13%, Hải Phòng, Vĩnh Phúc), thì sang năm 2023, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngoại trừ Bắc Giang, Hải Phòng giữ vị trí số 2 và số 3 về tăng trưởng kinh tế, lần lượt là 12,25% và 10,08%, thì Bắc Ninh giảm mạnh nhất (-9,63%); Thái Nguyên (+4,35%); Vĩnh Phúc 2,10%. Đây là những tỉnh, thành được xem là “thủ phủ công nghiệp”, thu hút nguốn vốn FDI lớn nhất trong cả nước nhưng thời gian qua tăng trưởng có dấu hiệu chững lại do xu thế giảm sút của thị trường thế giới.
Do đó, chúng ta ngoài việc cần làm tốt công tác phân tích, dự báo để có những chính sách thích ứng, phù hợp, thì cần có sự nhìn nhận về nguy cơ của sự phụ thuộc vào nguồn vốn và thị trường bên ngoài; đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm về việc tái cơ cấu nền kinh tế, để đảm bảo sự phát triển phù hợp, tự chủ của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch,… để phát triển cân bằng, bền vững trong thời gian tới khi nền kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, tiêu cực.
Thứ hai: Từ cách tiếp cận trên, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, một trong những giải pháp lâu dài là cần tập trung vào chấn hưng giáo dục, đào tạo, theo đúng nghĩa “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, để xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam có tri thức, năng động, sáng tạo, có khả năng sẵn sàng thích ứng với mọi tình huống diễn biến của toàn cầu hóa để tiến tới một nền kinh tế tự chủ hơn, sáng tạo hơn, thay vì chỉ dừng lại ở việc cung cấp thị trường lao động với trình độ giản đơn, làm gia công và lắp ráp đơn thuần.
Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ sự lo ngại khi nhiều năm qua, chúng ta vẫn cứ loay hoay với cải cách giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo đó, để chấn hưng giáo dục, đào tạo trước hết phải bắt đầu từ người thầy. Thầy giáo giỏi đương nhiên sẽ có học sinh tốt. Vì vậy, quan trọng hơn hết vẫn là nền móng từ đào tạo sư phạm.
Một vấn đề nữa là “căn bệnh chạy theo thành tích”. Tuy ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng này nhưng trên thực tế vẫn còn rất nặng nề. Nhà trường, thầy cô chạy theo thành tích và cả phụ huynh cũng chạy theo thành tích, tạo nên gánh nặng học tập với học sinh. Các cháu phải học ngày, học đêm, học đến đánh mất cả tuổi thơ.
Còn phụ huynh thì luôn lo lắng, làm sao tìm được trường tốt, thầy cô giỏi cho con và hình ảnh các bậc phụ huynh chen chúc lúc rạng sáng để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1, vào trường chuyên, lớp chọn, hay như tình trạng cả gia đình lao vào “luyện thi” lên lớp 10 cùng con,… hầu như năm nào cũng lặp đi lặp lại. Không biết đến bao giờ học sinh mới cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Thủ tướng Chính phủ đã từng chỉ đạo: “Ngành giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Phải lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực để thành công”, cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phải: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.
Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 6.
Với cơ cấu dân số trẻ, quy mô nền kinh tế hiện nay, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định cho các mốc thời gian quan trọng 100 năm thành lập Đảng (vào năm 2030), 100 năm thành lập nước (vào năm 2045). Suy cho cùng, nguồn vốn quý nhất vẫn là con người.
Thứ ba: Trong xây dựng pháp luật, cần thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn chỉnh, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế, tập trung thu hút nhà đầu tư có chất lượng cao, tập trung vào chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh. Phải coi đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội làm trọng tâm, nhất là trong giai đoạn kỷ nguyên số và chuyển đổi “kép” mà nước ta đang theo đuổi.
Cần mở rộng tối đa cơ hội cho mọi sáng kiến khởi nghiệp - sáng tạo, mọi mô hình kinh tế mới trên nền tảng số, tạo điều kiện cho các mô hình mới, sáng kiến đổi mới sáng tạo được thử nghiệm và đi vào đời sống, theo hướng chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Các chính sách tài chính, tín dụng cũng cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Để huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số, cần xem lại tính hợp lý, phù hợp của quy định ép nền tảng công nghệ số gọi “xe dùng chung” phải là công ty vận tải trong khi họ không sở hữu đầu xe nào, không có đội ngũ lái xe? Chúng ta cần quyết liệt thiết lập hệ thống ngân hàng số thực thụ để giảm chi phí xã hội, giảm lãi suất cho vay, phục vụ đông đảo mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, giải quyết dứt điểm tệ nạn “tín dụng đen” đang làm cho bao nhiêu gia đình khốn khó...
Cuối cùng, để hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế, chắc chắn cần định hướng và cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo tăng đầu tư công vào hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số, công nghệ cơ khí chế tạo, tự động hóa kể cả bằng các đơn đặt hàng của nhà nước, đón đầu chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và công nghiệp hydrogen hay phát triển đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam mà chúng ta đang hướng tới. Đây là 2 nhiệm vụ luôn song hành, liên quan mật thiết và bổ trợ cho nhau.