PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẢI DƯƠNG NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CÁCH THỨC ĐỔI MỚI PHIÊN CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 6 THÚC ĐẨY CÁC TƯ LỆNH NGÀNH THỰC SỰ CHỦ ĐỘNG, NẮM CHẮC PHẦN VIỆC CỦA MÌNH ĐỂ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

27/11/2023

Ấn tượng và đánh giá cao sự đổi mới của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cách thức đổi mới này đã thúc đẩy các vị tư lệnh ngành phải thực sự chủ động, nắm chắc phần việc của mình, có sự rà soát rất kỹ để trả lời chất vấn.

Theo dòng sự kiện

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Phóng viên: Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã có sự thay đổi ở cách thức tiến hành và nội dung. Bà có đánh giá thế nào về những đổi mới trong hoạt động chất vấn gần đây của Quốc hội?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi nhận thấy Quốc hội đang ngày càng đổi mới trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động chất vấn. Đổi mới đầu tiên là hình thức chất vấn. Hình thức chất vấn ngày trước là lựa chọn một vài vấn đề, một vài lĩnh vực sau đó xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó lựa chọn ra các vị tư lệnh ngành để trả lời chất vấn nhưng tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thì tất cả các vị tư lệnh ngành đều trong tâm thế sẵn sàng trả lời chất vấn.

Mỗi một buổi chất vấn, mỗi một phiên họp sẽ chất vấn ở những nhóm lĩnh vực khác nhau như vậy mỗi một đại biểu Quốc hội có thể chất vấn rất nhiều các bộ trưởng ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Chính vì yêu cầu đó mà những vị tư lệnh ngành phải thực sự chủ động, nắm chắc phần việc của mình, có sự rà soát rất kỹ để trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã có sự thay đổi ở cách thức tiến hành và nội dung. Cách đổi mới phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ là mở màn có tính chất tiền đề để tạo nên sự thành công của phiên chất vấn nói chung.

Phóng viên: Qua theo dõi, trực tiếp chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, bà nhận thấy những chuyển biến tích cực nào từ phía Chính phủ từ ý kiến phát biểu của bà cũng như các đại biểu Quốc hội?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy những người được chất vấn đều rất nỗ lực để thực hiện lời hứa của mình. Trong báo cáo của các ngành gửi đến Quốc hội, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn cũng như giám sát chuyên đề Quốc hội từ khóa XIV cho đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thì thấy có một sự nỗ lực rất lớn từ phía các ngành nói chung và tư lệnh ngành nói riêng trong việc thực hiện.

Ví dụ như những kiến nghị quan tâm đến phát triển văn hoá (phát biểu từ Kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2020) của tôi, Chính phủ cũng đã có những hoạt động thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực văn hoá. Các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương ngày càng quan tâm, coi trọng văn hóa, từ đó có những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm từng bước đưa văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế-xã hội. Ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đã có sự gia tăng đáng kể, góp phần làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Hay kiến nghị về Nghị định 116 ngày 25/9/2020 của Chính phủ về hỗ trợ sinh hoạt phí và đóng học phí cho sinh viên sư phạm đang nhiều vướng mắc, hiện nay Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát để sửa đổi cho phù hợp. Hay những kiến nghị về quan tâm nâng cao năng suất lao động xã hội cũng đã được Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt…

Tuy nhiên có nhiều vấn đề chúng ta chưa thực sự nỗ lực và cũng chưa thực sự có được chuyển biến rõ rệt. Nguyên nhân của việc chuyển biến chưa rõ rệt đến từ 2 phía. Thứ nhất là phía khách quan, tôi lấy ví dụ: chúng ta có những quy định pháp luật còn chưa được hoàn thiện và chưa thống nhất - đây là một trở ngại trong quá trình giải quyết những khó khăn vướng mắc. Nguyên nhân chủ quan là việc chúng ta còn chậm trễ trong khá nhiều khâu, trong đó cũng có khâu liên quan đến hoàn thiện thể chế vì vậy khó khăn vẫn hoàn khó khăn.

Tôi rất mong muốn qua những phiên chất vấn như thế này thì cử tri cùng với các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa và có ý kiến kịp thời đối với những lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến.

Phóng viên: Theo bà, các đại biểu Quốc hội nên thể hiện trách nhiệm và giám sát như thế nào với những chất vấn của mình?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Đối với đại biểu Quốc hội, sau phiên chất vấn chúng tôi nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết của Quốc hội về phiên chất vấn. Thứ 2, trong hoạt động hằng năm của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thì với mỗi kỳ họp Quốc hội chúng tôi đều nhận được các báo cáo của Chính phủ cũng như của các bộ ngành, thế thì xem xét báo cáo cũng là một hình thức giám sát.

Ngoài ra các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều kênh giám sát khác nhau ví dụ như qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các sự kiện, qua các cuộc giám sát mà mình đi giám sát trực tiếp thì sẽ nắm được hoạt động của các Bộ, ngành Trung ương cũng như là chúng tôi có thể đối chiếu với Nghị quyết về chất vấn để xem các vị tư lệnh ngành đã thực hiện các Nghị quyết về chất vấn như thế nào.

Phóng viên: Để hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội chất lượng và hiệu quả cần chú ý những vấn đề gì, thưa bà?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi để hoạt động chất vấn có chất lượng và hiệu quả thì chúng ta phải tăng cường việc giám sát thực hiện các kết luận chất vấn. Nếu như trong quá trình chất vấn, những người được chất vấn đưa ra rất nhiều giải pháp nhưng khi đi vào thực hiện thì có thể qua phiên chất vấn rồi không chú ý thực hiện nữa thì rõ ràng phiên chất vấn không đạt hiệu quả cao.

Vậy thì nhiệm vụ của các vị tư lệnh ngành là phải thực hiện đúng những giải pháp và cam kết trước Quốc hội. Và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước là tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa trong phiên chất vấn như thế nào. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một căn cứ vô cùng quan trọng để đánh giá năng lực, trình độ cũng như phẩm chất của người được giữ cương vị do Quốc hội bầu.

Phóng viên: Theo bà, cần làm gì để các kết luận sau giám sát được thực hiện có hiệu quả?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Những kết luận sau giám sát thì vẫn cần tái giám sát bởi vì việc này thể hiện sự giám sát đến cùng. Kết luận sau giám sát phải chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, những điểm đã làm được, những điểm chưa làm được, phương hướng khắc phục và nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới để làm tốt hơn công việc đó.

Vì thế, nếu chúng ta không tái giám sát thì rất khó đánh giá được rằng những điều mà chưa làm được, những nhiệm vụ chưa triển khai và cần triển khai liệu có tiếp tục được triển khai hay không hay sau khi đoàn giám sát ban hành kết luận rồi, ban hành Nghị quyết rồi thì tất cả mọi thứ trở về như cũ - điều này là điều chúng ta rất cần phải lưu tâm.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng cần có chế tài mạnh hơn với giám sát “hậu chất vấn” để xử lý trách nhiệm của các trưởng ngành nếu không thực hiện lời hứa, không có sự chuyển đổi tích cực hơn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được cử tri, đại biểu Quốc hội nêu ra. Quan điểm của bà như thế nào?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi hoàn toàn nhất trí với những đề xuất ấy bởi vì từ trước đến nay chúng ta đã rất khó khăn khi chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế. Nguyên nhân về mặt khách quan thì chúng ta rất dễ chỉ ra nhưng những nguyên nhân về mặt chủ quan thì rất khó chỉ ra và thường chỉ ra chung chung, sau đó thì không có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề đấy cả.

Chính vì vậy, việc giám sát sau chất vấn tôi muốn là chúng ta phải rõ người, rõ công việc, rõ tiến độ và rõ cả trách nhiệm nữa. Trách nhiệm này thuộc về ai, công việc này không triển khai được hoặc triển khai chậm trễ hoặc triển khai không hiệu quả thì phải có người chịu trách nhiệm. Và có người chịu trách nhiệm thì chắc chắn chúng ta sẽ có chế tài xử lý được. Chứ khi chúng ta báo cáo chung chung là một số cán bộ, một số Đảng viên thì chúng ta rất khó; thậm chí trong 1 số báo cáo hay gặp cụm từ “có một số cơ quan”,“có một số địa phương” - nếu không rõ trách nhiệm và không rõ đối tượng thì chúng ta không xử lý được.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác