Bám sát và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách trong Nghị quyết 20/NQ-TW
Phóng viên: Các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đều đạt tỷ lệ tán thành cao, đều trên 90%. Điều này khẳng định chất lượng của các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, thưa bà?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến: Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã xem xét và thông qua 8 Luật và 17 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến lần đầu với 8 dự án Luật và cho ý kiến lần hai với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến
Với số lượng nêu trên, Kỳ họp thứ Năm là một trong những kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp rất lớn. Những dự luật được Quốc hội thông qua, hay cho ý kiến đều là những dự luật hết sức quan trọng, sau khi thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành đều đánh giá cao chất lượng và nội dung các quy định được thể hiện trong các luật, nghị quyết của Quốc hội. Tất cả các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, hay xem xét thông qua tại Kỳ họp đều đã được các cơ quan của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri, Nhân dân.
Phóng viên: Là một trong 8 dự luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được đánh giá là có nhiều điểm mới nổi bật. Cá nhân bà đánh giá như thế nào về đạo luật này?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến: Có thể nói, dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) là một trong những dự luật được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu hết sức công phu, có chất lượng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Việc Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Năm được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng hơn cho việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Nếu như Luật Hợp tác xã năm 2012 chỉ dành một điều quy định mang tính định hướng với chính sách về phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, thì Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này đã dành cả Chương II (từ Điều 17 đến Điều 29) để quy định về các chính sách của Nhà nước phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong đó, quy định rất cụ thể về nguyên tắc thực hiện chính sách, các tiêu chí thụ hưởng chính sách cũng như nguồn vốn thực hiện chính sách, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã… Đặc biệt, tại Chương II dành một điều (Điều 18) quy định về tiêu chí hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được xem xét thụ hưởng chính sách.
Có thể thấy, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách nêu trong Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 16.6.2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, gồm: chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội. Từ đó, tạo khung khổ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng những quy định cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể.
Khẩn trương ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật
Phóng viên: Trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này đã bổ sung các quy định về chính sách nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo bà, điều này sẽ có tác động như thế nào với việc phát triển những mô hình này?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến: Mô hình hợp tác xã mang lại nhiều lợi ích không chỉ về kinh tế, mà còn cả về văn hóa chính trị cho người dân ở mỗi khu vực trên từng địa bàn, đặc biệt phù hợp với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển theo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, thì trước mắt vẫn còn nhiều thách thức.
Thực tế hiện nay trên cả nước có hơn 29 nghìn hợp tác xã và có rất nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mô hình hợp tác xã gặp khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác quản trị, tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút thành viên…
Do đó, để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động và phát triển đồng đều thì việc nhân rộng, phổ biến rộng rãi mô hình đã và đang phát huy hiệu quả là vô cùng quan trọng, vì suy cho cùng, “trăm nghe không bằng một thấy”. Khi đã được tiếp cận những cách làm hay, sáng tạo, các hợp tác xã có thể chọn lọc những yếu tố phù hợp để áp dụng, từ đó góp phần phát triển, thúc đẩy và lan tỏa hơn nữa các điển hình kinh tế tập thể.
- Theo bà, thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần làm gì để những điểm mới, tiến bộ của Luật này sớm đi vào cuộc sống?
- Trước hết, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành để khi Luật có hiệu lực sẽ ngay lập tức được thực thi, tránh trường hợp Luật đã có hiệu lực nhưng Nghị định vẫn chưa được ban hành, dẫn đến việc đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh không có khuôn khổ pháp lý để triển khai. Trong thời gian trước khi Luật có hiệu lực, Chính phủ cũng cần xây dựng và trình Quốc hội Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, từ đó cụ thể hóa các nội dung 8 chính sách trong Nghị quyết của Trung ương đã được thể chế hóa trong Luật.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng cần chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của Luật để nắm chắc và có thể áp dụng được ngay khi Luật có hiệu lực. Một trong những điểm đáng chú ý, đó là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này đã cho phép thành lập doanh nghiệp ở các hợp tác xã theo mô hình Công ty TNHH một thành viên, có nghĩa sở hữu thì thuộc hợp tác xã, nhưng mô hình hoạt động sẽ theo Luật Doanh nghiệp. Đây là điều kiện cho phép các hợp tác xã sử dụng doanh nghiệp như một công cụ để tối đa hóa lợi nhuận trên thị trường, hoạt động bình đẳng và việc tiếp cận thị trường được thuận lợi hơn. Đây là quy định rất tích cực, giúp các hợp tác xã mở ra thị trường hoạt động mới, rộng lớn hơn.
Với khung khổ pháp lý mới thể hiện trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết 20/NQ-TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới sẽ sớm được hiện thực hóa.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!