ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẢI DƯƠNG: KỲ VỌNG CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5 SẼ LÀ ĐỘNG LỰC, CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT CẦN THIẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN KT-XH

14/01/2024

Theo dự kiến chương trình, ngày 15/01, Quốc hội sẽ khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương kỳ vọng các Luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này sẽ là động lực quan trọng, cần thiết hỗ trợ Chính phủ trong công tác điều hành việc phát triển kinh tế - xã hội tại thời điểm khó khăn như hiện nay.

Theo dòng sự kiện

Phóng viên: Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ được khai mạc trọng thể vào ngày 15/01 tới và diễn ra trong 2,5 ngày. Đại biểu đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị của Kỳ họp đến thời điểm này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Công tác chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đến nay đã hoàn tất. Các ĐBQH đã nhận được giấy triệu tập kỳ họp và dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp.

Bên cạnh đó, các tài liệu của Kỳ họp bất thường đã được gửi đến ĐBQH qua app Quốc hội. Công tác hậu cần cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Tuy Kỳ họp bất thường lần thứ 5 chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (dự kiến 2,5 ngày) nhưng những nội dung được xem xét lại vô cùng quan trọng, có tính cấp bách nên công tác chuẩn bị cho Kỳ họp vô cùng quan trọng, góp phần vào thành công của Kỳ họp.

Tôi thấy Văn phòng Quốc hội đã phối hợp rất tốt với các cơ quan liên quan để chuẩn bị chu đáo nhất mọi điều kiện cho Kỳ họp này.

Phóng viên: Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

- Về công tác lập pháp: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 Luật là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

- Về quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền Quốc hội:

+ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

+ Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ tư, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì khi các Luật, Nghị quyết dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Có thể thấy, những nội dung dự kiến xem xét, quyết định trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn hiện tại trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không được tháo gỡ kịp thời thì những điểm nghẽn này là lực cản lớn trong nỗ lực hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung.

Bởi thế, tôi kỳ vọng các ĐBQH sẽ nghiên cứu sâu, kỹ tài liệu, tích cực thảo luận để thông qua hai dự án Luật quan trọng; cũng như đóng góp nhiều ý kiến vào hai Nghị quyết. Hai dự án Luật được thông qua và hai Nghị quyết được ban hành sẽ là động lực, là những cơ chế có ý nghĩa đặc biệt cần thiết để Chính phủ điều hành việc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn nhiều khó khăn như hiện nay.

Với Luật Đất đai (sửa đổi), hiện nay chúng ta đang gặp quá nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai do Luật Đất đai hiện hành đang có nhiều vướng mắc so với thực tiễn phát triển của xã hội. Những điểm nghẽn này phần nào tạo thành lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí có cả những xung đột pháp lý giữa Luật Đất đai hiện hành với một số luật khác trong những quy định cụ thể.

Việc sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải toả khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai là vô cùng cần thiết và cấp bách. Chính vì thế, việc xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá thế nào về "Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù..." để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nếu được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chúng ta đang triển khai gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm… Trong đó, một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời tháo gỡ về: Phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng;... Những khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan, vượt thẩm quyền của Chính phủ và cần phải báo cáo Quốc hội.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc này đã được Quốc hội thảo luận rất sâu kỹ tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Tuy nhiên, nếu không có những cơ chế đặc thù để tháo gỡ thì chúng ta khó có thể giải ngân, thực hiện tốt những nhiệm vụ còn lại của 3 Chương trình này, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, ý nghĩa nhân văn của Chương trình, mục tiêu của Chương trình sẽ bị ảnh hưởng. Các giải pháp này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp.

Cho nên, cần thiết phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia này, đây là đòi hỏi từ thực tiễn.

Tôi kỳ vọng các ĐBQH sẽ thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng để thông qua Nghị quyết. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là đòn bẩy để chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác