Bảo hiểm xã hội là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, xuất phát từ mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, cần sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội là vấn đề cốt lõi được đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang khóa XV, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV
Phóng viên: Thưa đại biểu, bà có đồng tình với quan điếm sửa đổi là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, đặc biệt là với nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; nhóm người làm việc không trọn thời gian; nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp?
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang khóa XV Tôi thống nhất về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đã đề xuất, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như là nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; nhóm người làm việc không trọn thời gian; nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp.
Chính vì vậy, đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan như là đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội một lần. Xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội, v.v. để qua đó các chính sách thực sự khả thi và thuận tiện cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh mở rộng đối tượng, đề nghị cần nghiên cứu thêm những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Cần có phương án cụ thể, khả thi để giữ được người lao động ở lại tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài. Có giải pháp về tín dụng ưu đãi, về dạy nghề, giải quyết việc làm, về chuyển đổi nghề nghiệp, về phát triển thị trường lao động, đổi mới chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, v.v. nhằm hỗ trợ cho người lao động khi gặp khó khăn, qua đó đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và thu hút đông đảo sự tham gia bảo hiểm xã hội của các đối tượng có liên quan.
Phóng viên: Thưa đại biểu, bà có đồng tình với nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện như dự thảo Luật đưa ra hay không?
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang khóa XV: Tôi đề nghị cần quy định rõ hơn về nội dung chia sẻ và cơ chế để thực hiện việc chia sẻ giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bắt buộc. Vấn đề quan trọng ở đây là cần đánh giá đầy đủ hơn những tác động về chính sách an sinh xã hội đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó, khăn quan tâm hơn đối với các đối tượng yếu thế, đến vấn đề bình đẳng giới, v.v.. Vì nếu chỉ nêu nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện như dự thảo luật là chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, nội dung quy định về mức hưởng tại khoản 1 và mức đóng tài khoản 2 chưa có sự thống nhất. Quy định như khoản 3 trong Điều 6 cũng không rõ và dễ gây hiểu lầm việc người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện sẽ không được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 5. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, có quy định chặt chẽ, thống nhất, đồng thời nên tách ra để thấy rõ hơn quy định liên quan đến nguyên tắc giữa nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Phóng viên: Quan điểm của đại biểu có đồng tình với quy định về tỷ lệ và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại dự thảo Luật này không?
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang khóa XV: Về tỷ lệ và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tôi đề nghị nghiên cứu theo hướng chỉ cần quy định mức tối thiểu không nhất thiết phải quy định mức tối đa; nghiên cứu đa dạng mức đóng và thời gian đóng. Động viên, khuyến khích người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tích cực tham gia đóng bảo hiểm xã hội đến đủ tuổi nghỉ hưu. Qua đó góp phần tăng mức hấp dẫn và có nhiều cơ hội lựa chọn. Có thể thụ hưởng theo nhu cầu và theo mức đóng, nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân tích cực tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, đối với việc đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Chương IV. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với những phương thức đóng, hưởng linh hoạt hơn nhằm huy động được đông đảo các nguồn lực cùng tham gia. Chẳng hạn có thể tính đến việc được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha mẹ, người thân và các đối tượng khác. Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật cần đảm bảo dễ hiểu để người dân, người lao động biết được rõ quyền, lợi ích của mình nhằm thuận lợi trong việc nghiên cứu và tích cực tham gia.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!