PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TỈNH BẮC NINH TRẦN THỊ VÂN: SỬA ĐỔI LUẬT ĐỂ XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI TRỞ THÀNH VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ VÀ CẢ NƯỚC

11/11/2023

Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến đóng góp dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi để xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Theo dòng sự kiện

Thay mặt Chính phủ, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự án luật xây dựng dựa trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Cho ý kiến bước đầu vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến đóng góp dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi để xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến góp ý dự án luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, đại biểu có thể cho biết sự cần thiết sửa đổi luật?

Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Qua hoạt động tiếp xúc cử tri và lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trước kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý. Đa số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan.

Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Việc sửa đổi Luật Thủ đô cũng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.

Phóng viên: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách đặc thù, mang tính đột phá, đại biểu đánh giá như thế nào về các quy định này của dự thảo luật?

Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Tôi cơ bản tán thành với những chính sách đặc thù, mang tính đột phá trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tôi cho rằng, dự thảo luận cần quy định cụ thể hơn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan. Đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt. Các nội dung về chính sách đặc thủ của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm…

Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ một vài ý kiến bước đầu, đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?

Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi quan tâm đến vị trí, vai trò của Thủ đô (Điều 2) của dự thảo luật. Theo đó, đề nghị bổ sung cụm từ “thành phố” trong khoản 1 như sau: “1. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành phố Hà Nội.” Mặc dù khoản 1 đang quy định giống như Hiến pháp năm 2013; tuy nhiên, danh từ Hà Nội mang ý nghĩa về địa danh chứ không phải là đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật. Do đó, việc bổ sung cụm từ “thành phố” một mặt không trái với Hiến pháp, mặt khác xác định rõ vị trí Thủ đô Hà Nội theo quy định của Luật này là đơn vị hành chính “thành phố Hà Nội”. Quy định này cũng thống nhất với thuật ngữ Thủ đô Hà Nội và thành phố Hà Nội.

Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng, sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội.

Đối với quy định về Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã (Điều 12), tôi đề nghị quy định rõ hơn nội dung “giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật;” tại điểm a khoản 2 để tránh hiểu nhầm hoặc không quy định nội dung này. Lý do là việc “giao quyền” là thẩm quyền của người có quyền bổ nhiệm; do đó khi quy định thẩm quyền bổ nhiệm thì đồng nghĩa với việc có thẩm quyền “giao quyền” trong trường hợp chưa bổ nhiệm cấp trưởng của cơ quan trực thuộc.

Về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch (Điều 20), đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh khoản 5 theo hướng: “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong khu vực TOD so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu, nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.”. Tôi cho rằng, việc quy định UBND thành phố quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong khu vực TOD là đầy đủ và khái quát các yếu tố như: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Về phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô (Điều 23), tôi đề nghị bổ sung 1 khoản: “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch, triển lãm mang tầm quốc tế trên địa bàn Thủ đô.” Quy định này nhằm phân quyền, giúp Thành phố có thể chủ động quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao,… mang tầm quốc tế trên địa bàn thành phố nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, từ đó thu hút được các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô quốc tế đến Hà Nội.

Đối với quy định về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn Thủ đô (Điều 30), tôi đề nghị bổ sung 1 điểm ở khoản 7: “Thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;”. Bởi thực tế hiện nay thời gian cho thuê đối với đất công ích tối đa 5 năm, do đó rất hạn chế các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp do thời gian ngắn, tổ chức, cá nhân thuê đất không yên tâm đầu tư để phát triển sản xuất.

Điều 41 của dự thảo luật quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, tại điểm a khoản 2 tôi đề nghị điều chỉnh như sau: “Các giải pháp công nghệ mới thuộc lĩnh vực công nghệ trọng điểm của thành phố Hà Nội trong khu công nghệ cao;” Lý do là tại khoản 1 Điều 25 đã quy định về lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm; đồng thời việc quy định 4 lĩnh vực sản xuất: vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, vật liệu mới là chưa phù hợp với tính chất của hoạt động thử nghiệm có kiểm soát và mục tiêu của Thành phố.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác