Chưa tán thành với trả lời coi thí điểm là biện pháp xử lý các trường hợp ngoại lệ
Đối với nội dung Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời cho câu hỏi chất vấn của tôi liên quan đến việc Chính phủ còn trình Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, tôi cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Thủ tướng về việc thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách trong khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung luật trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn cần thiết và điều này có cả cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP.Hà Nội) chất vấn Thủ tướng về "nhiệm kỳ thí điểm"
Tuy nhiên, tôi chưa thực sự tán thành với lý giải của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phiên trả lời chất vấn trước đó về việc coi thí điểm là biện pháp xử lý các trường hợp ngoại lệ để phù hợp với những đối tượng áp dụng nhất định.
Tôi hiểu thí điểm là “làm thử” nhằm kiểm nghiệm chính sách, có thêm cơ sở thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Thí điểm không phải và không nên là cơ chế để tạo ra những ngoại lệ, những đặc quyền trong áp dụng pháp luật.
Mặt khác, qua theo dõi việc thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, tôi nhận thấy rất nhiều nghị quyết thí điểm được Chính phủ chuẩn bị và trình Quốc hội theo thủ tục, trình tự rút gọn, thời gian đều rất gấp gáp, trong hồ sơ không cần có đủ các tài liệu như đối với một dự án luật thông thường. Cũng vì vậy mà thời gian và cơ sở để các Ủy ban của Quốc hội xem xét, thẩm tra, để các ĐBQH, Đoàn ĐBQH nghiên cứu, tham khảo ý kiến của cử tri, của chuyên gia, của các đối tượng chịu tác động là hết sức hạn chế.
Không nên lạm dụng và quá phụ thuộc vào việc thí điểm chính sách
Tuy về cơ bản các chính sách thí điểm đều đang phát huy tác dụng tích cực, song theo các báo cáo sơ kết của Chính phủ, phản ánh của các cơ quan, tổ chức có liên quan và cử tri thì vẫn có những nội dung còn vướng mắc, khó triển khai do trong quá trình xây dựng chính sách, chưa tính hết các tác động, ảnh hưởng, các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai thực hiện, nhất là đặt trong mối quan hệ với các văn bản pháp luật hiện hành khác khi có nơi thì thực hiện thí điểm, nơi lại không. Nếu cứ tiếp tục thực hiện theo cách làm này, thì không biết đến bao giờ chúng ta mới xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định, mới có được một Nhà nước pháp quyền XHCN đúng như tinh thần và mục tiêu phấn đấu được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Do đó, tôi cho rằng không nên lạm dụng và quá phụ thuộc vào việc thí điểm chính sách, đồng thời tôi cũng nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp là cần có những giải pháp căn cơ, bao trùm hơn mà trước tiên là cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để rút ngắn thời gian, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và khả năng đáp ứng kịp thời của công tác xây dựng luật.
Sau nữa là cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo ra cơ chế linh hoạt trong các luật để giải quyết các vấn đề có tính đặc thù để bảo đảm bao quát được các nhóm đối tượng khác nhau, song vẫn bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đánh giá chính sách, xây dựng thể chế để có tầm nhìn dài hạn hơn, có khả năng phát hiện và xử lý vấn đề có hiệu quả hơn.