Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Góp ý về nội dung liên quan đến kinh tế- xã hội, đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã trình bày tại Ky họp thứ 6.
Đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, trước tình hình khó khăn chung của cả thế giới nhưng với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành và phối hợp chặt của Quốc hội, sự ủng hộ đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của nền kinh tế toàn cầu và với những kết quả nổi bật đã nêu trong các báo cáo, điều này một lần nữa đã tăng niềm tin của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ chống khai thác IUU
Về giải pháp chống khai thác IUU, đại biểu Lý Anh Thư cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả rà soát đến ngày 29/8/2023 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên; số tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 97,86%. Việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý tàu cá, quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, thực thi pháp luật và xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm, chặt chẽ, tạo sự chuyển biến từ nhận thức cho đến hành động của ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu, lực lượng thực thi pháp luật và chính quyền các cấp, được EC đánh giá cao.
Tuy nhiên theo đại biểu Lý Anh Thư, về giải pháp lâu dài để ổn định tình hình, không tái diễn các hành vi vi phạm IUU cần phải được thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023. Song, Đề án này cũng đã và đang gây khó khăn cho một số địa phương, trong đó có Kiên Giang.
Nguyên nhân là tại điểm c khoản 8 Điều 2 của Quyết định quy định “không cấp giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu làm nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu ngừ”, trong khi tàu lưới rê và lưới kéo, chiếm hơn 60% lượng tàu, đa số các chủ tàu đều vay tiền từ Ngân hàng để hoạt động, việc không cấp giấy đóng mới thì có thể thực hiện ngay được nhưng việc không cho cải hoán (thay vỏ, sửa máy,…) đối với tàu hiện hữu là rất khó khăn, dẫn đến dừng đánh bắt, không có chi phí để trả nợ ngân hàng, ảnh hưởng sinh kế của nhiều chủ tàu và ngư dân.
Trước tình hình đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ ngành liên quan có lộ trình thực hiện việc dừng/không cấp giấy cho cải hoán đối với các tàu đang hoạt động làm nghề lưới kéo, lưới rê nhằm giảm bớt khó khăn cho ngư dân.
Bên cạnh đó đề nghị Chính phủ sớm ban hành các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề theo định hướng cắt giảm tàu, chuyển đổi các nghề xâm hại sang các nghề thân thiện với môi trường đảm bảo cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi nguồn lợi thủy sản theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 208/QĐ-TTg.
Đồng thời yêu cầu Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách khoanh nợ, giản nợ cho các chủ tàu gặp khó khăn, có cam kết không vi phạm pháp luật về IUU nhằm chia sẽ khó khăn cho các chủ tàu trong thời gian chờ ban hành và áp dụng các chính sách chuyển đổi nghề khai thác sang nghề khác.
Sớm ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư y tế, vật tư tiêu hao
Về mua sắm tài sản công, đại biểu tỉnh Kiên Giang cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Quản lý tài sản công năm 2017 thì “Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được sử dụng làm căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Tuy nhiên, hiện nay một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chuyên ngành, cụ thể là vật tư y tế, vật tư tiêu hao được sử dụng thường xuyên trong các bệnh viện chưa có quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng nên không có đủ căn cứ để xây dựng, thẩm định dự toán và thực hiện các thủ tục mua sắm.
Do đó, căn cứ khoản 2, 3 Điều 26 Luật Quản lý tài sản công năm 2017 và để phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 38 Luật Đấu thầu 2022 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024), đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư y tế, vật tư tiêu hao để làm căn cứ xây dựng dự toán mua sắm theo đúng quy định.