Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, hiện còn 02 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực UBQPAN nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với căn cước điện tử, một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết cấp và quản lý căn cước điện tử; đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn để kiểm chứng hiệu quả áp dụng quy định căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Thường trực UBQPAN đề nghị cho giữ các quy định về căn cước điện tử như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7 dự thảo Luật Chính phủ trình), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý Điều 5, chỉnh sửa toàn diện Điều 30 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam; việc quản lý người gốc Việt Nam; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam.
Quang cảnh phiên họp
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật tại Hội nghị, đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, qua tham gia ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 5, rất nhiều nội dung cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo đã hoàn thiện hơn. Đối với tên luật, đại biểu thống nhất lấy tên luật là Luật Căn cước, bởi vì các đối tượng được đưa vào trong dự thảo trình lần này đó là người gốc Việt Nam sinh sống từ 6 tháng trở lên. Đại biểu cũng cho rằng, cần có giải thích rõ ràng về khái niệm “người gốc Việt Nam” trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo luật.
Mặt khác, tại khu vực biên giới, khi quản lý nhà nước đối với cư dân biên giới, có những trường hợp không phải là người gốc Việt, mà là cư dân của các nước lân cận. Những người không phải là người gốc Việt Nam và cộng đồng biết rằng người đấy không phải là người gốc Việt Nam, đối với trường hợp những người đó thì chúng ta có cấp giấy chứng nhận căn cước hay không? Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ. Đối với vùng đồng bằng và đối với các khu vực địa phương không có giáp ranh biên giới thì không xảy ra những trường hợp như vậy. Thực tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên, có cả cư dân là người gốc Việt mà chưa đủ điều kiện, chưa xác định được quốc tịch và người nước khác chưa đủ điều kiện theo Luật Quốc tịch Việt Nam để được nhập quốc tịch Việt Nam. Đại biểu đề nghị giải thích rõ các khái niệm để có quy định nhất quán đối với 2 trường hợp này.
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Về quy định tại Điều 29 về thu hồi giữ thẻ căn cước, khoản 5 Điều 29 quy định là Chính phủ sẽ quy định chi tiết hướng dẫn về nội dung giữ thẻ căn cước. Nhưng riêng đối với việc thu hồi thì tại điểm b khoản 4 Điều 29 dự thảo có nêu đó là "Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thực hiện thu hồi thẻ căn cước có trách nhiệm giao lại thẻ căn cước đã thu hồi cho cơ quan quản lý nhà nước về căn cước".
Đại biểu cho rằng, về thời gian, cần làm rõ khi Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao thu hồi thẻ căn cước thì bao lâu thời gian sau đó sẽ phải nộp cho cơ quan quản lý về thẻ căn cước này.
Bên cạnh đó, ở đây có 3 trường hợp: Tước quốc tịch theo Luật Quốc tịch; thôi quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch và hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch hiện hành. Như vậy, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao đồng thời được ra quyết định thu hồi cả 3 trường hợp này, hay phải phân định ra trong trường hợp nào thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp nào thuộc Bộ Ngoại giao thu hồi và đối với Luật Căn cước công dân hiện hành đang quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 là thẩm quyền về thu hồi thẻ căn cước thì đang thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về căn cước. Đại biểu đề nghị làm rõ, từ trước đến nay khi thực hiện nội dung quy định này thì có vấn đề gì vướng mắc về mặt thực tế hay không mà bây giờ phải chuyển chủ thể của việc thu hồi thẻ căn cước sang cho Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao. Trong nội dung quy định này thì giữa 2 Bộ cũng không rõ quy định trường hợp nào là thuộc Bộ Ngoại giao thu hồi, trường hợp nào thuộc Bộ Tư pháp thu hồi và khoảng bao nhiêu lâu thời gian thu hồi phải nộp về cho cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định rõ hơn về nội dung này.