Tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về tên gọi của dự thảo luật, trong báo cáo tóm tắt, giải trình, tiếp thu của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nêu rõ, hiện nay còn 2 loại ý kiến đối với tên gọi của dự thảo luật, ý kiến thứ nhất cho rằng cần giữ nguyên tên gọi cũ là Luật Căn cước công dân, ý kiến thứ hai cho rằng cần đổi thành Luật Căn cước. Đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án đổi tên luật thành Luật Căn cước.
Theo đại biểu, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử, phù hợp với các chính sách dự kiến đề xuất bổ sung khi lập hồ sơ để xây dựng luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu cũng cho rằng, việc bổ sung đối tượng áp dụng của luật là thực sự cần thiết trong công tác quản lý con người, đảm bảo an ninh, trật tự và quan trọng hơn nữa là mang tính nhân văn sâu sắc. Hiện nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, mới chỉ có 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch do nhiều nguyên nhân khác nhau. Con số 31.000 người chỉ chiếm 0,031% tổng dân số Việt Nam hiện tại, nhưng không phải vì chỉ chiếm số phầm trăm ít ỏi mà những người này sẽ bị bỏ qua, họ đang hiện hữu, đang sinh sống, đang là một phần máu thịt của cộng đồng.
Đại biểu cho rằng, 31.000 người này, theo báo cáo của Bộ Công an, hầu hết là các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người nghèo không nghề nghiệp, không nhà cửa, không quốc tịch. Nếu không có cả căn cước, thứ giấy tờ tùy thân tối thiểu chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng thì họ hoàn toàn sẽ là những người đứng bên lề xã hội, bên lề cuộc sống, không những bản thân họ mà cả con cái của họ không được hưởng bất cứ chế độ an sinh nào. Khi những người yếu thế không được hưởng chế độ an sinh, không nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng thì rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra. Với cách nhìn này, đại biểu cho rằng, con số 31.000 người hoàn toàn không phải là con số ít ỏi. Nếu con số 31 nghìn người này được cấp căn cước, cơ quan chức năng sẽ quản lý tốt hơn và cuộc sống của các đối tượng này sẽ dần ổn định hơn, do có giấy tờ hợp pháp để tham gia nhiều hoạt động xã hội và được hưởng những chế độ an sinh phù hợp.
Bên cạnh đó, nếu giữ nguyên tên gọi Luật Căn cước công dân và quy định cấp giấy chứng nhận căn cước đối với những người gốc Việt Nam đã sinh sống ở Việt Nam cho đến thời điểm ban hành luật với thời hạn sử dụng 1 năm như là dự thảo luật đã nêu, thì sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. Bởi vì, cứ sau 1 năm hết hạn sử dụng thì những người này lại phải xin cấp giấy chứng nhận căn cước mới. Chính vì thế, đại biểu nhấn mạnh nên cấp căn cước cho các đối tượng này thay vì giấy chứng nhận căn cước, và việc tồn tại song song căn cước công dân với giấy chứng nhận căn cước sẽ mang tính phân biệt rất nhạy cảm đối với các đối tượng yếu thế.
Đại biểu cũng nêu rõ, khi đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước một bộ phận người dân có tâm lý lo ngại phải thay đổi thẻ căn cước công dân và các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để hoạt động quản lý về con người và trật tự, an toàn xã hội được tốt hơn thì bước đầu tiên chắc chắn cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Đại biểu cho rằng, không nên vì một vài khó khăn nhất định có thể khắc phục được ngay mà chần chừ hoặc không thực hiện những việc cần thiết. Hơn nữa, trong điều khoản chuyển tiếp cũng đã có nêu rõ, khi đổi căn cước công dân thành căn cước thì vẫn đảm bảo thẻ căn cước công dân đã được cấp vẫn được sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng, vì vậy việc sửa tên luật cũng không phát sinh thủ tục hành chính.
Toàn cảnh phiên họp
Nếu dự thảo luật được thông qua với tên gọi mới là Luật Căn cước, đại biểu đề nghị Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng chính sách cấp thẻ căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch của những đối tượng gốc Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài không có giấy tờ tùy thân lại quay trở về Việt Nam để được cấp thẻ căn cước, gây những khó khăn nhất định về công tác quản lý an ninh, trật tự.
Đối với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, đại biểu cho rằng nội dung về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước tại Điều 15 dự thảo luật rất đầy đủ, chi tiết, nhiều thông tin liên quan đến vấn đề đời tư cần bảo mật chặt chẽ, đặc biệt là những thông tin về nhân dạng và sinh trắc học. Tuy thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 16 chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện yêu cầu giám định. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy cơ sở dữ liệu căn cước chứa đựng những dữ liệu tối quan trọng thuộc bí mật đời tư của mỗi cá nhân, bất kỳ sự lộ, lọt thông tin nào đều gây những hệ lụy khó lường.
Đại biểu đề nghị Bộ Công an cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và khả thi về con người và hạ tầng công nghệ để thực hiện tốt nhất việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, những thông tin cá nhân quan trọng cần bảo mật chỉ được thu thập, lưu trữ khi có một hạ tầng công nghệ thực sự vững chắc, an toàn.