CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI CÁC PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Chính phủ cần tăng cường nắm bắt tình hình đến từng địa phương
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ rất khác biệt nhưng với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong những tháng cuối năm để kịp thời hóa giải những khó khăn, thách thức, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn quốc là yếu tố nền tảng quyết định để mở cửa trở lại nền kinh tế, đưa cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, bảo đảm an sinh xã hội. Niềm tin tâm lý người dân, doanh nghiệp từng bước được khôi phục.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Công tác dự báo gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn, một số nơi, một số bộ, ngành, địa phương phản ứng chính sách còn chậm, chưa phát hiện, tham mưu chính sách kịp thời, phối hợp chưa chặt chẽ. Đặc biệt là các vấn đề liên ngành như xây dựng đất đai, môi trường, du lịch, trong đó có du lịch quốc tế tiếp tục được phục hồi so với năm 2022 nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung hơn nữa vào các giải pháp đã được nêu trong báo cáo, cụ thể như sau:
Một là, Chính phủ cần tăng cường nắm bắt tình hình đến từng địa phương, từng địa bàn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Hai là, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật theo thẩm quyền, thực hiện sắp xếp cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Ba là, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng cho các địa bàn Tây Nguyên, nhất là tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành - Bình Phước để kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Tăng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường giao thông nông thôn đối với các tỉnh có diện tích rộng, điều kiện giao thông còn khó khăn, không có khả năng cân đối bằng ngân sách địa phương và khó huy động xã hội hóa.
Bốn là, bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện đi vào vận hành, tránh lãng phí nguồn năng lượng tái tạo như đại biểu Thanh - Kon Tum cũng đã đề cập.
Năm là, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch, khôi phục thị trường khách quốc tế, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến các công ty nông lâm nghiệp
Đối với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, đại biểu gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành trung ương một số kiến nghị sau đây:
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến các công ty nông lâm nghiệp đã tồn tại rất nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội; xem xét có kế hoạch cân đối, bố trí đủ vốn đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do đã được phê duyệt.
Đồng thời, rà soát các quy định pháp luật về đất đai lâm nghiệp, đặc biệt là quy định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do, nhằm tạo thêm quỹ đất, sắp xếp ổn định đất ở, đất sản xuất, đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp để người dân được đăng ký thường trú, ổn định cuộc sống; đẩy nhanh việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm tích hợp sự liên thông giữa các ngành để tạo điều kiện cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thực hiện các giao dịch, các thủ tục trên môi trường số.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành quan tâm rà soát, kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách pháp luật về nông nghiệp liên quan đến công tác quản lý giống cây trồng, về đơn giá bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất, việc quản lý và cấp mã số vùng trồng, về chính sách nhà nước đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị.
Về nhiệm vụ kiểm kê và điều tra rừng, cần tuân theo quy định của Luật Lâm nghiệp và sớm khắc phục sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai. Đồng thời, đại biểu kiến nghị tăng mức hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách trung ương với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm để đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng của các công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên lâm nghiệp và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên khác. Hỗ trợ các địa phương trong kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng giá trị của sản phẩm và góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người nông dân Tây Nguyên.