ĐẠI BIỂU ĐIỂU HUỲNH SANG - ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH PHƯỚC: CẦN NHẬN DIỆN NHỮNG KẾT QUẢ VÀ VƯỚNG MẮC CỦA NỀN KINH TẾ

09/06/2023

Đóng góp ý kiến về thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ nhận diện để bổ sung đầy đủ trong báo cáo về những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế; đồng thời làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có những giải pháp hữu hiệu trong việc điều hành trong thời gian tới.

CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI CÁC PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đóng góp ý kiến về nội dung trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước khẳng định: Năm 2022 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trên bình diện quốc tế và trong nước, nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời thì kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm tình hình trong nước và nước ngoài vẫn còn khó khăn, nhưng nước ta cũng đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỷ giá và lạm phát cũng là một thành tựu rất nổi bật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta cũng bộc lộ một số hạn chế khá nổi bật. Đó là, vẫn còn chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn nhiều hạn chế và việc quá chú trọng về kiềm chế lạm phát, chưa tính toán việc tận dụng thời cơ để điều chỉnh giá một số dịch vụ công nhằm giảm áp lực lạm phát trong năm 2023. Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát nhưng lại chưa đánh giá kỹ tác động cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao trong bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn và việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm cũng là những bất cập trong công tác điều hành, nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, tình hình kinh tế của những tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, đó là tăng trưởng GDP quý I rất thấp, chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, đặc biệt tăng trưởng ở một số địa phương âm so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp đều giảm và trên đà suy yếu, chậm giải ngân vốn đầu tư công, lãi suất cho vay vẫn còn cao và tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Số doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến và người lao động mất việc tại các khu công nghiệp. Số liệu về lao động việc làm, thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ lại mâu thuẫn với tình hình kinh tế hoạt động của doanh nghiệp. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số tiêu dùng bình quân. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030; chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; các dự án, chương trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, đầu tư kéo dài.

Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Nhiều vụ việc xảy ra cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng, thị trường bảo hiểm; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để và tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ cũng nhận diện để bổ sung đầy đủ trong báo cáo về những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có những giải pháp hữu hiệu trong việc điều hành về kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Về quy hoạch thời kỳ năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Hội đồng thẩm định Trung ương rà soát, thẩm định theo quy định và hiện nay đang còn vướng mắc về phương án phân bổ đất đai và căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp phân bổ cho tỉnh Bình Phước lại thấp hơn rất nhiều so với thực tế và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ cũng xem xét, bổ sung chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp đến năm 2025 cho tỉnh Bình Phước là 7.584 hecta và giai đoạn 2026-2030 là 10.521 hecta để phát triển các khu công nghiệp của địa phương và để phù hợp với tổng diện tích đất để phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Số lao động trẻ mất việc làm cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn

Đề cập về vấn đề việc làm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh, hiện nay tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số đang có xu hướng giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở cả nước luôn duy trì. Mặc dù là duy trì ở mức ổn định, thấp là 2,25% nhưng thất nghiệp ở nhóm lực lượng lao động thanh niên luôn ở mức cao hơn rất nhiều, chiếm tỷ lệ là 7,61% và đáng lưu ý là trong quý I/2023 thì số lao động mất việc tăng lên và cả nước chúng ta có gần 149.000 lao động bị mất việc, tăng gần 13% so với cùng kỳ và tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, bị mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng và nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ lại cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn. Vấn đề đặt ra là vì sao trong bối cảnh bị mất việc làm nhưng nhiều lao động lại không quay trở lại thị trường tham gia ứng tuyển việc làm mới và vì sao các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được người lao động? Phải chăng có điểm nghẽn của thị trường lao động tại các khu vực có quy mô số lượng quan hệ lao động lớn trong nước?

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập nhằm để phục hồi nhanh kinh tế - xã hội cũng đã được Chính phủ đặt ra gần đây trong Nghị quyết số 06. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang hy vọng rằng, với những mục tiêu, nhiệm vụ rất rõ ràng và thị trường lao động Việt Nam sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn, không còn bị động tiềm ẩn những yếu tố bất ổn dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư và sự yên tâm cho chính người lao động khi tham gia thị trường lao động trong tương lai./.

(Theo Cổng TTĐTQH)

Các bài viết khác