ĐẠI BIỂU TRẦN THỊ THANH HƯƠNG - ĐOÀN ĐBQH TỈNH AN GIANG: CẦN PHẢI QUAN TÂM, NÂNG CAO HƠN NỮA CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

05/06/2023

Góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, cần phải quan tâm, nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI CÁC PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường. Đại biểu cho biết, hiện nay việc kiểm soát chất thải ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó có rác thải rắn…

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị, hóa lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải. Tuy nhiên chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. H iện có khoảng 1000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chỉ có chưa đến 20%  bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp, rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Thế nhưng, tại các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức.

Đại biểu Hương nhấn mạnh, rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị thì cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Liên quan đến lĩnh vực thông tin, truyền thông, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trong xu thế sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, dẫn đến các hình thức lừa đảo qua điện thoại ngày càng đa dạng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; tình trạng dữ liệu cá nhân bị thu thập, giao bán trái phép, không chỉ có những cuộc gọi lừa đảo, những cuộc điện thoại rác chào mời tham gia các hoạt động cũng liên tục làm phiền, gây bức xúc, bất an cho người dùng…

Đại biểu dẫn chứng, hơn 3 năm trước, ngành chức năng cũng đã triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm quản lý thông tin điện thoại, thuê bao di động, nhưng sau đó tình trạng các cuộc gọi nặc danh, lừa đảo vẫn tiếp tục xuất hiện khắp nơi. Để khắc phục tình trạng này, từ ngày 15/4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng khóa những thuê bao không chuẩn hóa thông tin, nhưng dư luận vẫn cho rằng, số lượng các cuộc gọi làm phiền hoặc có dấu hiệu lừa đảo tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn ra.

Đại biểu phản ánh, cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo để thông qua việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động với những giải pháp đồng bộ, kiên quyết, hiệu quả hơn để góp phần xử lý dứt điểm vấn nạn này.

Theo đại biểu, đây không chỉ là sự bức xúc mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dùng, người dân vào sự quản lý của Nhà nước trong việc ổn định trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đại biểu cho rằng, với sự chủ động, hợp tác của người dân trong vấn đề chuẩn hóa thông tin di động, với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự quyết tâm của các nhà mạng viễn thông, môi trường di động của Việt Nam sẽ trở nên minh bạch hơn, an toàn hơn.

 

(Theo Cổng TTĐTQH)

Các bài viết khác