ĐẠI BIỂU TÔ THỊ BÍCH CHÂU - ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH: CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ TRONG HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN SAU KHI XUẤT NGŨ

23/02/2024

Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đã gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về việc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm đối với thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về.

Theo dòng sự kiện

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu cho biết, hiện nay thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đa số không tìm được việc làm như mong muốn. Việc học nghề như Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện chưa hiệu quả. Hiện nay, một số nghề các em đăng ký học nhiều nhưng chưa được quan tâm như lái xe, kỹ thuật khác...

Từ thực tế này, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Bộ trưởng quan tâm, khảo sát đời sống, việc làm, học nghề của những thanh niên sau hoàn thành nghĩa vụ quân sự để thấy thực trạng và có giải pháp đồng bộ, quan tâm hơn và chính sách hiệu quả đối với các cháu chứ không hình thức rộn ràng khi lên đường nhưng khi hoàn thành trở về thì không ai quan tâm cũng như đào tạo nghề, ổn định cuộc sống để không lãng phi 2 năm quân ngũ được quân đội rèn luyện được phát huy tốt và góp phần tạo một lực lượng lao động trẻ, có tay nghề và năng suất lao động tốt.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung  đã có Văn bản số 2911/LĐTBXH-VP nêu rõ:

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, điều kiện để cơ sở đào tạo nghề được quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo Thẻ học nghề là “có hợp đồng lao động hoặc quyết định tiếp nhận sử dụng lao động (bản sao) hoặc giấy chứng nhận tự tạo việc làm (bản gốc) đối với thanh niên sau tốt nghiệp đào tạo nghề trình độ sơ cấp”. Như vậy, việc đào tạo gắn với việc làm luôn được đặt ra để tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng là bộ đội xuất ngũ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá để hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, từng bước tiến tới phổ cập nghề cho thanh niên. Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ những vướng mắc về thanh quyết toán cho bộ đội xuất ngũ có hộ khẩu thường trú ngoài địa phương nhưng đăng ký và học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh/thành phố (ngoài địa phương đăng ký thường trú của người học).

Thứ hai, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ; bố trí kinh phí và thực hiện thanh quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ trong và ngoài địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đã trả lời một số địa phương (tỉnh Bình Thuận, thành phố Cần Thơ ...).

Thứ ba, tổ chức rà soát, đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP để đề xuất giải pháp triển khai chính sách đảm bảo hiệu quả.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác