ĐẠI BIỂU PHAN THỊ MỸ DUNG - ĐOÀN ĐBQH TỈNH LONG AN GÓP Ý HOÀN HIỆN DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

16/12/2023

Góp ý vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật này với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, đối chiếu với các luật liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật liên quan.

Theo dòng sự kiện

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, với những quan điểm và những nội dung trên cơ sở tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chủ trương và định hướng đã có từ kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu nhận thấy, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, đối chiếu với các luật liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn; nghiên cứu một số nội dung để quy định sao cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh là nội dung mới và nhân văn

Thứ nhất, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, đây là một nội dung rất mới và nhân văn, thể hiện chủ trương chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong mọi lúc, mọi nơi. Thực tế trong thời gian qua, nhiều sự việc tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ em liên quan đến xe đưa đón học sinh từ sự vô ý, bất cẩn của người lái xe cũng như các giáo viên, để học sinh sót trên xe mà không biết, dẫn đến học sinh bị ngạt, hoặc xảy ra nhiều tai nạn giao thông liên quan đến việc đưa đón học sinh. Do đó, đại biểu đồng tình rất cao việc đưa quy định này vào trong Luật để bảo vệ trẻ em tốt nhất, đặc biệt là các em ở lứa tuổi học sinh.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cần xem xét lại cơ sở pháp lý để quy định niên hạn xe để sử dụng cho việc đưa đón học sinh là không quá 15 năm. Đại biểu đề nghị phải rà soát, đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng xe đối với điều kiện xe tham gia giao thông. Quy định niên hạn xe không quá 15 năm vì nếu xe đăng kiểm mà đủ điều kiện sử dụng thì sẽ được lưu hành, được tiếp tục lưu thông. Do đó, đề nghị xem xét quy định này.

Đồng thời, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị nghiên cứu quy định trên xe đưa đón học sinh có 24 học sinh trở lên thì phải bố trí trên xe 02 người, có nghĩa là cộng với tài xế là 03 người. Đại biểu nhận thấy, chưa có cơ sở pháp lý thực tiễn nào, chưa chắc 02 người là tốt, 01 người là không tốt. Do đó, đề nghị cần đánh giá lại để quy định sao cho phù hợp. “Hoặc ngoài quy định chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo an toàn cho các em trên xe đưa đón học sinh và 01 người nữa là được, không cần thiết phải nhiều người. Bây giờ đưa đón học sinh từ điểm gần đến nơi đó mà 3-4 người trên xe cũng ảnh hưởng tới các chi phí thuộc thù lao của các phương tiện vận tải. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu lại nội dung này”, đại biểu nêu rõ.

Dự thảo Luật cũng quy định một nội dung là cơ sở giáo dục tập huấn cho lái xe và học sinh. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận thấy, điều này nghe rất hợp lý, tuy nhiên, vấn đề này thực tế thuộc trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và các nhà xe trong quá trình thực hiện hợp đồng để đưa đón học sinh. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, khi tổ chức tập huấn cho học sinh nhưng lứa tuổi học sinh sử dụng xe đưa đón rất đa dạng, từ mầm non, học sinh tiểu học cho đến sinh viên đại học… Và các em học sinh càng nhỏ tuổi thì sẽ càng khó tiếp thu hơn. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu lại quy định này.

Cần quy định chặt chẽ về thời gian lái xe và ràng buộc trách nhiệm với các chủ đơn vị vận tải

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội

Thứ hai, quy định về thời gian lái xe tại Điều 56, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã đưa ra những cung giờ và thời gian tối đa mà các lái xe phải ngừng nghỉ để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo sự tỉnh táo trong điều khiển. Đây là một điều tốt, xu hướng của các nước trên thế giới cũng như vây.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, điểm a khoản 2 quy định thời gian lái xe liên tục không quá 240 phút, đối với thời gian ngừng nghỉ, phải ngừng nghỉ giữa 02 lần, đối với các xe taxi là năm phút thì không phù hợp.

“Bây giờ quy định thời gian ngừng nghỉ giữa hai lần lái xe là năm phút, ví dụ như taxi thường lưu thông trong nội thành, nếu tắc đường có khi đứng cả tiếng đồng hồ thì có được tính hay không? Hoặc khi dừng lại đèn đỏ để di chuyển từ hết đèn đỏ qua đèn xanh có khi hơn 5 phút. Do đó, tôi chưa thấy cơ sở đánh giá nào về khoa học hay về lĩnh vực y tế. Việc ngừng nghỉ giữa hai giai đoạn 5 phút là không hợp lý”, đại biểu nêu dẫn chứng.

Vì vậy, đại biểu Mỹ Dung đề xuất, việc ngừng nghỉ ít nhất phải từ 15 phút trở lên, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại nội dung thời gian này.

Đối với các xe tải quy định trong dự thảo Luật là 15 phút, đại biểu cho rằng, quy định thời gian 15 phút là ít. Vì đối với xe tải là các xe vận chuyển đường dài, việc dừng 15 phút cũng không đủ thời gian để họ nghỉ ngơi. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu lại khung giờ, thời gian cho hợp lý và khoa học. Đồng thời cần lấy ý kiến của các nhà chuyên môn về y tế để thấy được nghỉ thời gian như thế nào để đảm bảo sức khỏe.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dụng nêu rõ, vấn đề này cần phải bổ sung một quy định chung là quản lý như thế nào, nên có một quy định để ràng buộc trách nhiệm của chủ đơn vị vận tải. Đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước cần có chế tài chặt chẽ đối với nhà xe thì luật mới mang tính khả thi.

Thứ ba, tại Điều 3 giải thích từ ngữ, dự thảo Luật quy định: Tai nạn giao thông đường bộ là sự việc xảy ra khi người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ hoặc ở địa bàn giao thông khác nhưng do chủ quan vi phạm các nguyên tắc về an toàn giao thông gây nên thiệt hại nhất định cho tính mạng và sức khỏe. Đại biểu nhận thấy, cách giải thích như vậy gây khó hiểu. Theo đại biểu, không cần giải thích từ "tai nạn" vì trong từ điển đã có, chỉ cần giải thích: Tai nạn giao thông đường bộ là tai nạn xảy ra trên đường bộ cho người hoặc các phương tiện tham gia lưu thông. Nếu giải thích “do lỗi chủ quan” thì không hoàn toàn chính xác. Cụm từ "gây thiệt hại nhất định" là như thế nào. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu lại có cần giải thích hay không.

Khoản 4, Điều 3 nêu rõ, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là thiết bị được thiết kế để giảm nguy cơ thương tích cho trẻ, hạn chế cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột. Đại biểu cho rằng, cách giải thích như vậy không hợp lý. Vì thực tế, thiết bị để bảo vệ trẻ em chính là đai đặc thù để giữ trẻ em được an toàn và cố định trên xe, tránh khi xe dừng đột ngột hoặc chuyển làn, tăng tốc và trẻ em không bị văng khỏi ghế hay va chạm vào thành xe. Do đó, giải thích như dự thảo Luật còn thiếu nhiều nội dung để bảo vệ trẻ em trong các trường hợp này. Vì vậy, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị đối chiếu với các quy chuẩn kỹ thuật về đai an toàn để giải thích cho phù hợp, nếu đặt ra các tình huống thì không đủ.

Tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật liên quan

Đáng lưu ý, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cần rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành để quy định cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tránh mân thuẫn, chồng chéo với các luật liên quan.

“Ví dụ Điều 49, khoản 1 quy định người tham gia giao thông phải mang giấy phép theo, hiện nay vẫn đang thực hiện như vấy, nếu không mang giấy phép theo thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi này. Tuy nhiên, vừa qua dự thảo Luật Căn cước công dân đã quy định đây là một thông tin cứng, tích hợp và người dân chỉ cần mang căn cước công dân. Hiện nay, việc cấp phép lái xe đã gắn với số định danh cá nhân và được biết trên toàn quốc. Khoản 1 Điều 49 lại quy định khi tham gia giao thông phải mang theo giấy phép”, đại biểu nêu dẫn chứng.

Ảnh minh họa

Liên quan đến quy định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng khung về giáo dục và phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cần rà soát lại vì việc phổ biến giáo dục pháp luật đã có Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ riêng về lĩnh vực an toàn giao thông mà tất cả các lĩnh vực khác, trách nhiệm này thuộc cả hệ thống chính trị chứ không riêng ngành nào, lĩnh vực nào. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát lại.

Đối với vấn đề giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về tỷ lệ xe để đảm bảo cho người khuyết tật lưu thông, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp, cần đối chiếu với Luật Người khuyết tật hiện nay. Trong Luật Người khuyết tật cũng đã quy định các vấn đề liên quan những nơi công cộng, những phương tiện giao thông như thế nào thì phải thiết kế dành riêng cho người khuyết tật.

Điều 29 quy định về người đi bộ hoặc những phụ nữ mang thai cũng như người già... tham gia giao thông. Đại biểu nhận thấy, khái niệm “tham gia giao thông” rất rộng, không phải chỉ đi bộ. Ví dụ, đi bộ đối với người khuyết tật thì phải có người dẫn dắt; đối với người mang thai thì phải có trách nhiệm hỗ trợ; hoặc đối với trẻ em dưới 7 tuổi thì phải có người lớn đi kèm... Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện chỉ quy định là đi qua đường. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại các nội dung này.

Liên quan đến quy định về xử lí tình huống ở Điều 68, 75, 76 về cứu nạn, cứu hộ và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị đối chiếu với các luật khác có liên quan. “Bởi vì cứu nạn, cứu hộ cần phải quy định thêm một số nội dung như: xử lý đối với người bị thương như thế nào, xử lý người chết mà không có người nhận như thế nào… Các vấn đề này không nằm ngoài phạm vi ở đây. Nếu chỉ quy định như dự thảo Luật thì sẽ không đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ”, đại biểu nêu rõ. Do đó đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đối chiếu lại.

Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35 năm 2017 quy định về tổ chức và hoạt động trong công tác cứu hộ, cứu nạn, có quy định rất rõ ai, trách nhiệm ngành nào, làm gì và trong trường hợp người không có nhân thân thì xử lý như thế nào. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát thêm. Hoặc liên quan đến điều tra giải quyết tai nạn về giao thông đường bộ ở Điều 76, dự thảo Luật quy định rất nhiều trình tự để điều tra về tai nạn giao thông, vấn đề này thuộc nghiệp vụ của các ngành tố tụng, do đó đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng đề nghị rà soát, đối chiếu với các quy định khác có liên quan.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác