ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẢI DƯƠNG: CẦN CÓ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỦ MẠNH ĐỂ THU HÚT CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC

06/03/2024

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá, hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục và đào tạo. Tuy vậy, vẫn cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục.

Theo dòng sự kiện

Từ khi Đảng thành lập đến nay, đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về giáo dục và đào tạo được ban hành và đi vào cuộc sống, trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” có vai trò đặc biệt quan trọng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cùng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài. Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đánh giá về chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục và đào tạo; công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Tuy vậy, theo đại biểu hệ thống trường lớp của chúng ta vẫn còn rất thiếu, do vậy trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để tham mưu cho Chính phủ cơ chế, chính sách để đủ mạnh thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là chặng đường khá dài, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này. Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, tôi cho rằng ưu điểm thứ nhất là có sự vào cuộc rất quyết liệt không những của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn của cả hệ thống chính trị và được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Vì vậy, chúng ta đã thu được những thành quả đáng ghi nhận. Tôi lấy ví dụ về hệ thống các trường lớp cho thấy từ khi thực hiện Nghị quyết 29 đến nay, hệ thống trường, lớp khá là hoàn thiện ở tất cả các cấp học, các bậc học và các loại hình trường lớp, trong đó có loại hình trường, lớp công lập và các loại hình trường, lớp ngoài công lập.

Thực hiện tự chủ đại học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW bước đầu đạt kết quả tích cực

Thứ hai, việc hoàn thiện thể chế cũng được thực hiện rất tốt, đã ban hành và sửa đổi rất nhiều luật về giáo dục và liên quan đến giáo dục. Hiện tại, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, xây dựng Luật Nhà giáo, trình Chính phủ, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024.

Thứ ba là việc chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện đã thực hiện đổi mới ở tất cả các cấp học cũng như là các cái loại hình và đã thu được rất là nhiều thành tựu. Nhưng một trong những thành tựu mà tôi muốn nhắc đến ở Nghị quyết 29-NQ/TW đó là việc chúng ta cũng đang thực hiện bước đầu có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Mặc dù việc thực hiện chương trình này cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng bước đầu tiên đã cho kết quả.

Hơn nữa, đối với giáo dục đại học, từ khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đến nay, giáo dục đại học cũng có một bước tiến mới, nhất là hệ thống trường, lớp được hoàn thiện hơn, được mở rộng hơn rất nhiều và đã trao quyền tự chủ cho các trường đại học; chất lượng giáo dục đại học cũng được nâng lên, năm nào cũng có những trường đại học của Việt Nam được lọt vào tốp đầu của thế giới. Mặc dù thành tích của chúng ta còn khiêm tốn nhưng so với giai đoạn trước cũng phải khẳng định giáo dục đại học của Việt Nam cũng được thế giới và khu vực bước đầu ghi nhận.

Ngoài ra, cũng còn có chuyển biến rất lớn nữa đó là tạo điều kiện cho người học rất nhiều, so với giai đoạn trước, người học được tiếp cận với giáo dục đại học dễ dàng hơn, đại chúng hơn. Cùng với đó, nguồn lực dành cho giáo dục cũng tập trung hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, thể hiện rõ nhất ở quy mô trường lớp, về trang bị trường lớp và mức độ hiện đại hóa trường lớp có sự đổi mới nhiều so với giai đoạn trước.

Phóng viên: Với tư cách là đại biểu dân cử, dành nhiều sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, theo đại biểu còn những tồn tại, bất cập gì cần được nhận diện để có những giải pháp khắc phục?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi cho rằng, khi chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều những vấn đề trăn trở. Đó là giáo dục đại học tuy đã phát triển một bước rất vượt bậc nhưng có những giai đoạn chúng ta sa vào việc phát triển ồ ạt theo số lượng; và vì phát triển ồ ạt theo số lượng cho nên là chất lượng không đồng đều, đương nhiên những trường hợp tốp trên của chúng ta vẫn giữ được vai trò và vị trí, phát huy truyền thống của các trường. Thế nhưng, có những trường mới mở ra dường như chỉ chạy theo số lượng nên chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo cũng chưa được tốt.

Hơn nữa, việc chúng ta thực hiện tự chủ giáo dục đại học nhưng đến thời điểm này chưa thực hiện triệt để mà mới chỉ thực hiện được những bước cơ bản, trong đó tự chủ về học thuật vẫn chưa có hiệu quả; các trường thiếu cơ chế để thực hiện tự chủ, vẫn loay hoay trong thực hiện tự chủ về kinh phí, dẫn đến tình trạng giữa các trường, có tình trạng hạ thấp chất lượng tuyển sinh đầu vào, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra – đây là vấn đề chúng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu.

Trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tôi cũng thấy rằng, hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, trong đó hệ thống trường lớp công lập của chúng ta hiện nay vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu. Điều này dẫn tới tình trạng đầu năm học học sinh ở các đô thị lớn như là Hà Nội vẫn thiếu trường, thiếu lớp, số lượng các em không được vào trường công lập chiếm rất nhiều, trong khi đó hệ thống trường lớp ngoài công lập chưa phát triển được như kỳ vọng. Nguyên nhân là thiếu hành lang pháp lý, cũng như là thiếu những cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho cho giáo dục ngoài công lập.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cần có cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho cho giáo dục ngoài công lập.

Vì vậy, hệ thống trường lớp của chúng ta vẫn còn rất thiếu, tôi hy vọng trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát để tham mưu cho Chính phủ cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục. Bởi hệ thống trường, lớp ngoài công lập thời gian qua “chia lửa” cho hệ thống trường, lớp công lập rất nhiều và giúp giảm được áp lực cho hệ thống trường, lớp công lập. Tuy nhiên, nếu chính sách thu hút và hỗ trợ chưa nhiều sẽ dẫn đến tình trạng chênh giữa công lập với ngoài công lập rất lớn cả về chất lượng và về học phí trường công. Điều này sẽ là áp lực kinh tế lớn đối với gia đình có nguồn thu nhập không cao, gây áp lực cho người học và phụ huynh học sinh.

Phóng viên: Thưa đại biểu, giáo viên là nhân tố của đổi mới, nhưng giai đoạn vừa qua, giáo viên thích nghi, thích ứng với đổi mới giáo dục còn nhiều gian nan như đại biểu vừa phân tích là thiếu về thể chế, chính sách, trong đó có chế độ đãi ngộ. Theo đại biểu, việc cải cách tiền lương tới đây đối với ngành giáo dục cần được quan tâm như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Chúng ta đã quen thuộc với những câu "hiền tài là nguyên khí quốc gia"; "giáo dục là quốc sách hàng đầu", việc đầu tư đúng hướng, thỏa đáng và khoa học cho giáo dục chính là đầu tư cho sự lớn mạnh và hùng cường của quốc gia. Cho nên, tôi mong muốn giáo dục cần được quan tâm hơn nữa, cả về khâu hoàn thiện thể chế lẫn đầu tư kinh phí, đào tạo nhân lực, để trong thời gian tới, giáo dục và đào tạo có sự bứt phá, đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển của đất nước.

Tôi cho rằng, “có thực mới vực được đạo", chúng ta khó có thể đòi hỏi đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nếu như không đổi mới tiền lương cho giáo viên theo hướng tăng lên. Lương giáo viên thấp và chưa tương xứng với trọng trách nghề nghiệp cũng như công sức bỏ ra là một thực trạng đáng trăn trở hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều hệ luỵ: giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề do áp lực cơm áo gạo tiền mà đồng lương không đáp ứng, việc lạm dụng tổ chức dạy thêm tràn lan, ép buộc học sinh không có nhu cầu, nguyện vọng phải học thêm; sự chểnh mảng trong nghề nghiệp vì phải dành nhiều thời gian lo công việc "tay trái" để có thêm thu nhập.

Việc cải cách tiền lương đi đôi với đổi mới các chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài trong ngành giáo dục sẽ là động lực to lớn thúc đẩy ngành phát triển mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn trong thời gian tới. Tôi cho rằng, nhiệm vụ trước mắt của ngành để tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng rất nặng nề: vừa tiếp tục nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa, vừa thẩm định phê duyệt các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn; xây dựng phương án và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình 2018 vào năm học 2024 - 2025; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học… Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục còn rất cần sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, tin yêu và ủng hộ của toàn xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác