ĐẠI BIỂU LÝ ANH THƯ - ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG: ĐỊNH HƯỚNG ĐỘT PHÁ TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ĐẾN NĂM 2030

28/02/2024

Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đã gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về những nội dung được định hướng đột phá trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Theo dòng sự kiện

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư cho biết, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 569/QĐ-TTg có nhiều nội dung quan trọng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nội dung nào được định hướng là đột phá (trọng tâm)?.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã đã có Văn bản số 2461/BKHCN-HVKHCN nêu rõ:

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược có nhiều nội dung quan trọng, trong đó một số nội dung định hướng là đột phá (trọng tâm) trong thời gian tới, cụ thể là:

Thứ nhất, khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng các yêu cầu, ứng phó các thách thức, tận dụng các cơ hội từ bối cảnh mới.

Thứ hai, tập trung phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Chiến lược chỉ rõ bên cạnh việc theo đuổi phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ, tập trung thúc đẩy áp dụng, lan tỏa nhanh các công nghệ hiện có vào nền kinh tế; thúc đẩy năng lực ứng dụng, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp. Tăng cường năng lực quản lý, quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Thứ ba, tập trung tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, về tự chủ của tổ chức KH&CN; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm từ doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình phát triển KT-XH; xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm từ doanh nghiệp.

Thứ năm, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội, tự nhiên và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình phát triển KT-XH.

Thứ sáu, xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, để có thể thực hiện thành công các nội dung trọng tâm của Chiến lược, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác