ĐẠI BIỂU PHAN THỊ THANH PHƯƠNG - ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH: THẺ HỌC NGHỀ CHO BỘ ĐỘI XUẤT NGŨ CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ

29/02/2024

Từ thực tế việc thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ, chưa phát huy hiệu quả, các ngành nghề đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của bộ đội xuất ngũ, đại biểu Phan Thị Thanh Phương – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đã gửi phiếu chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung về nguyên nhân và giải pháp đối với vấn đề này.

Theo dòng sự kiện

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương, bộ đội xuất ngũ phần lớn chọn hình thức học nghề vì phù hợp với điều kiện kinh tế, tài chính cũng như năng lực của bản thân. Tuy nhiên, việc thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ, chưa phát huy hiệu quả, các ngành nghề đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của bộ đội xuất ngũ. Các trường được đào tạo lại không có nhiều học viên, dẫn đến lãng phí thẻ học nghề.

Vì vậy, thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Phan Thị Thanh Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết về nguyên nhân và giải pháp đối với vấn đề này.

Về nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã có Văn bản số 3135/LĐTBXH-VP nêu rõ:

Đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo để tham gia thị trường lao động sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó quy định: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là bộ đội xuất ngũ) tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT- BLĐTBXH ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. Theo đó, bộ đội xuất ngũ có thể lựa chọn và đăng ký học nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp GDNN phù hợp với nhu cầu học nghề, nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với điều kiện của người học.

Khó khăn, vướng mắc trong triển khai

Trong quá trình thực hiện, công tác đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do các nguyên nhân sau:

Một là, vướng mắc trong việc lập kế hoạch và dự toán ngân sách: một số địa phương chưa lập kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho bộ đội xuất ngũ để tổng hợp chung trong kế hoạch, dự toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị gửi cơ quan tài chính hoặc có lập kế hoạch, dự toán những xác định chỉ tiêu, bố trí ngân sách thiếu so với nhu cầu thực tế, nhất là những tỉnh, thành phố trung tâm của vùng, có nhiều cơ sở đào tạo nghề uy tín nên người học nghề ở những địa phương khác tìm đến đăng ký học, trong khi các cơ sở đào tạo nghề không thể nhận đào tạo vượt chỉ tiêu được giao.

Hai là, thời hạn sử dụng thẻ học nghề là 01 năm kể từ ngày cấp nên những người được cấp thẻ vì nhiều lý do khách quan chưa thể tham gia học nghề, không đi học kịp thời ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Ba là, một số địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nên chưa bố trí được kinh phí để quyết toán chi hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho bộ đội xuất ngũ.

Bốn là, việc quyết toán kinh phí tại nhiều địa phương còn vướng mắc về bố trí nguồn kinh phí, đối tượng thụ hưởng (bộ đội xuất ngũ có hộ khẩu tại địa phương và bộ đội xuất ngũ ở ngoài địa phương) nên có tình trạng nhiều đơn vị chưa được thanh toán chi phí đào tạo, hoặc thanh toán chậm, dẫn đến tâm lý e ngại khi tiếp nhận thẻ học nghề và tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng bộ đội xuất ngũ.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục tình trạng đã nêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất,  phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ những vướng mắc về thanh quyết toán cho bộ đội xuất ngũ có hộ khẩu thường trú ngoài địa phương nhưng đăng ký và học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố (ngoài địa phương đăng ký thường trú của người học).

Thứ hai, tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP để đề xuất giải pháp triển khai chính sách đảm bảo hiệu quả.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác