Giới và lồng ghép giới với hoạt động của Quốc hội

01/12/2013

Lời giới thiệu
 
Là một quốc gia đang phát triển, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo và bảo đảm thực hiện quyền con người. Những thành tựu của công cuộc đổi mới mà chúng ta đạt được có một phần đóng góp không nhỏ của tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quốc gia nào chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới thì công cuộc xoá đói, giảm nghèo và phát triển đất nước sẽ đạt hiệu quả hơn.
 
Sự ra đời của Luật bình đẳng giới (2006) đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam về bình đẳng giới, song cũng đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ mới là phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quy trình lập pháp, trong quyết định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề mới và khó, nhất là đối với các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, lồng ghép giới là một biện pháp bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do vậy, thực hiện việc lồng ghép giới vừa là một trọng trách, vừa là một sứ mạng cao cả đối với các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thảo luận cho ý kiến, thông qua văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Lồng ghép giới tốt sẽ bảo đảm cho các quy định, quyết định của Quốc hội tạo điều kiện, cơ hội và sự thụ hưởng thành quả phát triển bình đẳng, công bằng cho nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này là không đơn giản do có những khó khăn về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới, cũng như còn thiếu rất nhiều dữ liệu, thông tin về tình hình bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, xã hội và gia đình để làm cơ sở khi xem xét, đánh giá tác động của văn bản đến nam và nữ.
 
Với tư cách là một Uỷ ban của Quốc hội được giao nhiệm vụ phụ trách vấn đề bình đẳng giới, Uỷ ban về các vấn đề xã hội chỉ đạo biên soạn và trân trọng giới thiệu đến các vị đại biểu Quốc hội và độc giả cuốn "Giới và lồng ghép giới với hoạt động của Quốc hội" do các chuyên gia của Ủy ban biên soạn.
 
Cuốn sách nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu... các quy định của pháp luật hiện hành về bình đẳng giới, những kiến thức khái quát chung về giới; tình hình thực hiện bình đẳng giới trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; lồng ghép giới trong các hoạt động của Quốc hội; kỹ năng lồng ghép giới trong quy trình lập pháp và xây dựng ngân sách. Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ là một tài liệu hữu ích, có giá trị để các vị đại biểu Quốc hội tham khảo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lồng ghép giới của mình.
 
Nhân dịp này, chúng tôi xin được cảm ơn Dự án Hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp (DANIDA) đã tài trợ cho việc tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách này. Cảm ơn GS. TS. Nguyễn Đình Tấn - Viện trưởng Viện xã hội học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào bản thảo của cuốn sách.
 
Mặc dù tài liệu được các chuyên gia biên soạn công phu, song do lần đầu tiên biên soạn, chủ đề lựa chọn của cuốn sách lại là vấn đề mới nên khó tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự tham gia, góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và độc giả để lần tái bản sau sẽ được chỉnh sửa hoàn thiện hơn.
 
Trân trọng cảm ơn.
 
 
TRƯƠNG THỊ MAI
 
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

Xem toàn văn

(Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

File đính kèm