Phát biểu khai mạc của Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội tại cuộc Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)”

30/09/2015

 

PHÁT BIỂU KHAI MẠC

 

                            Bà Trương Thị Mai

  Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

 Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam

 

          Kính thưa các vị khách quý,

          Thưa toàn thể quý vị đại biểu,

Trước tiên, thay mặt Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian đến tham dự Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)” được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm nay.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Tổ chức phụ nữ của Liên hợp quốc (UN Women).

Kính thưa các vị đại biểu,

Sự ra đời của Luật bình đẳng giới (năm 2006) đặt ra yêu cầu hoàn thiện các văn bản pháp luật của Việt Nam nhằm đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới và bảo vệ các quyền của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Thời gian qua, đối với một số dự án luật có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề giới, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã trở thành công đoạn không thể thiếu trong quá trình xây dựng các dự án luật.

Trong thực tiễn, việc thực hiện lồng ghép giới trong mỗi dự án luật là công việc không đơn giản vì khi xem xét, đánh giá tác động, chúng ta thường thiếu nguồn thông tin, dữ liệu để có cơ sở phân tích, đánh giá tác động giới trong từng quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra cũng gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực, chuyên gia có kỹ năng phân tích giới, kỹ năng lồng ghép giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật.

Với tư cách là một Uỷ ban được giao nhiệm vụ phụ trách vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban về các vấn đề xã hội có nhiệm vụ tiến hành thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các dự án luật, pháp lệnh... Công việc này tuy đã có bước khởi sắc thời gian qua nhưng còn nhiều khó khăn và thách thức khi vừa phải đảm bảo tuân thủ những quy định của pháp luật, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Kính thưa các vị đại biểu,

Hiến pháp mới năm 2013 đã đề cao quyền làm chủ của nhân dân và bầu cử là cách thức trực tiếp nhất để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Xây dựng Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hợp nhất tạo cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử năm 2016 được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ XIII. Quốc hội đã cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015). Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ cũng có tiến độ tương tự. Đây là hai dự án Luật về tổ chức có nhiều nội dung liên quan đến bình đẳng giới, đặc biệt thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, như: số lượng đại biểu, tỉ lệ nam nữ, việc vận động bầu cử (dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân), cơ cấu và số lượng thành viên của Chính phủ, cơ cấu và trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... (dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)). Do đó, hai dự án Luật này cần được nghiên cứu, rà soát kỹ việc lồng ghép vấn đề giới để đảm bảo đạt mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Chúng ta đều nhận thức được rằng, ban hành chính sách, pháp luật đảm bảo tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực chính trị là tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy sự phát triển bền vững về mặt xã hội. Quốc hội với vai trò là cơ quan lập pháp, cơ quan đại diện nhân dân thì trách nhiệm này càng lớn lao. Mặt khác, cũng cần thiết phải ban hành một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, các chính sách nhằm bảo vệ, ưu tiên cho phụ nữ ở giai đoạn này vì cho đến nay phụ nữ vẫn gặp nhiều cản trở hơn so với nam giới.

Ngay từ năm 2007, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên nhất thiết phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đã có cam kết ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị và đã xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực chính trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu phấn đấu cụ thể cho các giai đoạn. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra chỉ tiêu Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%”, phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tuy nhiên, trên thực tế dù đã có những tiến bộ đáng kể, song tỷ lệ phụ nữ tham gia trong hệ thống các cơ quan của Đảng, của Nhà nước, Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều chưa đạt mục tiêu đặt ra, nhất là tỷ lệ tham gia các cấp ủy Đảng và hệ thống hành pháp, số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng so với nam giới còn khoảng cách rất xa. Tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị của Việt Nam đang dần bị sụt giảm về thứ hạng so với thế giới.

Hội thảo sẽ là cơ hội để chúng ta đánh giá tổng quát việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi): nhận diện các vấn đề giới, đề xuất các sửa đổi nhằm đảm bảo bình đẳng giới thực chất và cân nhắc tính khả thi của các đề xuất sửa đổi. Vì lý do này, chúng tôi đã mời đến báo cáo tại Hội thảo các chuyên gia trong nước và quốc tế, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung cơ bản của hai dự thảo Luật và các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến trái chiều cũng sẽ được đại diện Ban soạn thảo trình bày tại Hội thảo để giúp các đại biểu có thêm thông tin trong quá trình thảo luận.

Kính thưa các vị đại biểu,

Chúng tôi hy vọng Hội thảo sẽ cung cấp cho đại biểu những thông tin bổ ích và kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng góp phần giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội xem xét, tiếp thu hoàn thiện 2 dự án Luật này trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Trên tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)”.  Một lần nữa, xin cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia quốc tế đã vượt những cách trở địa lý để đến với Hội thảo hôm nay. Cảm ơn Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc đã hỗ trợ chúng tôi tổ chức Hội thảo này. Có thể nói, sự hợp tác giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội với Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc thời gian qua đã mang lại những đóng góp hiệu quả và thiết thực cho hoạt động lồng ghép giới trong quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Chúc sức khoẻ các quý vị đại biểu và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

 

 

 

Xem toàn văn

(Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội)