CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC; CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước
Làm rõ hơn kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, mặc dù năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, nhất là trong đầu tư công, trong phân bổ giải ngân, thanh quyết toán vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý ngân sách, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công và nhiều thủ tục hành chính còn gây phiền hà, cản trở người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, tình trạng lãng phí đất đai rất lớn. Theo đó, tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương, trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất lớn, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý. Cùng với đó là tình trạng lãng phí trong quản lý đất đai, tài sản của các dự án do chậm thi hành án, chậm thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra. Nhìn chung, hiện chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai. Việc phân bổ chi ngân sách nhà nước còn chậm, nhất là các nhiệm vụ chi thuộc chương trình phục hồi, chương trình mục tiêu quốc gia, giao chi tiết các nguồn vốn thuộc kế hoạch 2022 của một số bộ, ngành, địa phương, qua đó làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến mục tiêu chung của chương trình. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cũng làm giảm hiệu quả của chương trình. Đây là nguyên nhân lãng phí dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra.
Đại biểu cũng chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Chính phủ bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch của năm 2022. Nhiều dự án sử dụng vốn nước ngoài triển khai chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng phần phí cam kết phải trả trên số vốn chưa giải ngân. Áp lực tăng vay, điều kiện thị trường quốc tế, vốn quốc tế và trong nước không thuận lợi dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng. Phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép làm giảm giá đồng Việt Nam, gây ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ. Hệ thống pháp luật có nhiều thay đổi, chưa thống nhất dẫn đến sự khác biệt ngày càng tăng giữa các quy định của đơn vị tài trợ và quy định pháp luật trong nước, nhất là vấn đề về thuế, quyền miễn trừ đối với bên vay đấu thầu và ký hợp đồng thương mại. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá cụ thể và rõ hơn kết quả thực hiện Nghị quyết số 63 và Nghị quyết số 74 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm rõ những hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm.
Các đại biểu tham dự
Cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa và Chơn Thành
Về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương đối với các dự án cao tốc trọng điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, kết nối vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; giảm tải cho Quốc lộ 14 và là tuyến huyết mạch nối liền 2 tỉnh cũng như Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam Bộ. Dự án đã được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Nghị quyết số 23.
Theo đại biểu, dự án này cũng tạo được bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, hiện tại đã có nhà đầu tư quan tâm nên thực hiện theo hình thức PPP và có sự tham gia hỗ trợ của Ngân hàng nhà nước. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh Bình Phước gặp nhiều khó khăn, cơ cấu ngân sách chưa bền vững. Để đảm bảo tính khả thi của dự án, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội giao địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án thì mới có cơ sở giao vốn. Dự án cũng đang được Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Căn cứ chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 16 của Quốc hội, cử tri và nhân dân tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đề nghị Quốc hội nhất trí với kiến nghị của Chính phủ. Theo đó, cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao Chính phủ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho dự án khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn đối với dự án này. Trường hợp chuyển số vốn trên vào dự phòng chung thì không được tiếp tục phân bổ, sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư và sẽ không phát huy được hiệu quả về kinh tế - xã hội.