Tăng cường hợp tác AIPA về lồng ghép giới trong quy trình lập pháp

10/04/2010

Tại Hội nghị chuyên đề AIPA do QH nước ta chủ trì tổ chức hồi cuối năm 2009, nghị viện các nước thành viên AIPA đã có khuyến nghị quan trọng về việc ban hành một Nghị quyết của AIPA về tăng cường hợp tác đối với lồng ghép giới trong quy trình lập pháp.

Tại Hội nghị chuyên đề AIPA do QH nước ta chủ trì tổ chức hồi cuối năm 2009, nghị viện các nước thành viên AIPA đã có khuyến nghị quan trọng về việc ban hành một Nghị quyết của AIPA về tăng cường hợp tác đối với lồng ghép giới trong quy trình lập pháp. Là người gắn bó với sự nghiệp bình đẳng giới, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VấN ĐỀ XÃ HỘI LƯƠNG PHAN CỪ cho rằng, khuyến nghị này nếu được AIPA – 31 chấp thuận sẽ là cơ sở quan trọng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới của nghị viện các nước thành viên AIPA; tạo nền tảng cơ bản để tiếp tục thúc đẩy nghị viện các nước trong cộng đồng ASEAN quan tâm hơn đến vấn đề lồng ghép giới trong quy trình lập pháp...


PV: Thưa Phó chủ nhiệm, tại Hội nghị AIPA về vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật do QH Việt Nam chủ trì tổ chức hồi cuối năm 2009, nữ nghị sỹ nghị viện các nước thành viên AIPA đã thống nhất khuyến nghị AIPA – 31 ban hành một Nghị quyết về tăng cường hợp tác đối với lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật. Là người nhiều năm gắn bó với sự nghiệp bình đẳng giới, Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về khuyến nghị này?
 
PCN Lương Phan Cừ: Giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị cũng như trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, văn hóa của mỗi quốc gia. Đây cũng là một trong những mối quan tâm chung của nghị viện các nước thành viên AIPA. Khuyến nghị của nghị viện các nước thành viên AIPA về việc ban hành một Nghị quyết về tăng cường hợp tác đối với lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật đã thể hiện rất rõ mối quan tâm đó. Nếu khuyến nghị này được AIPA – 31 thống nhất thông qua sẽ có ý nghĩa định hướng, làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới của nghị viện các nước thành viên AIPA; thúc đẩy sự xích lại gần nhau trong hệ thống pháp luật của mỗi nước đối với vấn đề bình đẳng giới cũng như vai trò, vị trí của nữ nghị sỹ trong việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật bình đẳng giới nói riêng. Đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy nghị viện các nước thành viên AIPA đẩy nhanh quá trình nội luật hóa Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ...
 
PV: Khuyến nghị trên được hình thành trên cơ sở đề xuất của QH Việt Nam tại Hội nghị AIPA về vai trò của nữ nghị sỹ trong công tác lập pháp. Vậy, Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về vai trò của nữ nghị sỹ nước ta trong việc thúc đẩy lồng ghép giới trong quy trình lập pháp?
 
PCN Lương Phan Cừ: Nữ nghị sỹ nước ta có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, thông qua các văn bản pháp luật, nhất là bảo đảm việc lồng ghép giới trong quy trình lập pháp. Nữ nghị sỹ tham gia tích cực và chủ động từ khâu xây dựng các dự án Luật đến khâu thẩm tra, xem xét và thông qua các dự án Luật tại Kỳ họp của QH. Là người hiểu rất rõ đặc tính giới của mình, thấu hiểu cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ trong xã hội nên trong quá trình xây dựng pháp luật, các nữ nghị sỹ đã có nhiều ý kiến xác đáng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy lồng ghép giới trong quy trình lập pháp; bảo đảm bình đẳng giới trong các đạo luật được ban hành. Điều này cũng góp phần bảo đảm tính khả thi cao hơn của các đạo luật.
 
PV: Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đã luật hóa quy định về lồng ghép giới trong quy trình lập pháp tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008. Sau khi có quy định này, việc lồng ghép giới trong quy trình lập pháp đã được thực hiện như thế nào, thưa Phó chủ nhiệm?
 
PCN Lương Phan Cừ: Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nữ ĐBQH nước ta chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện nay, tỷ lệ nữ ĐBQH trong QH chiếm khoảng 26%. Đây là một trong những nhân tố tác động tích cực đến việc thực hiện lồng ghép giới trong quy trình lập pháp. Quốc tế cũng đánh giá cao công tác lồng ghép giới trong quy trình lập pháp của Việt Nam. Từ sau khi có quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, tôi nhận thấy, việc lồng ghép giới trong quy trình lập pháp ngày càng đạt có nhiều tiến bộ, được quan tâm toàn diện và sâu sắc hơn.
 
PV: Hiện nay, Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á đang phải đối diện với nhiều thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, việc làm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe… Điều đó cho thấy khuyến nghị của Hội nghị chuyên đề AIPA về việc ban hành một Nghị quyết về tăng cường hợp tác đối với lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật có giá trị thực tiễn sâu sắc, thưa Phó chủ nhiệm?
 
PCN Lương Phan Cừ: Khuyến nghị của Hội nghị chuyên đề AIPA khẳng định vai trò quan trọng của nữ nghị sỹ trong công tác xây dựng pháp luật, trong việc lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới. Do đó, nếu được AIPA – 31 chấp thuận, sẽ tạo điều kiện để nữ nghị sỹ tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong quy trình lập pháp; tạo nền tảng cơ bản để tiếp tục thúc đẩy nghị viện các nước trong Cộng đồng ASEAN quan tâm hơn đến vấn đề lồng ghép giới trong quy trình lập pháp. Khuyến nghị của Hội nghị chuyên đề AIPA cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới ngày càng thực chất. Tất nhiên, nếu khuyến nghị này được AIPA – 31 chấp thuận thì quan trọng nhất vẫn là sau đó nghị viện các nước thành viên AIPA sẽ triển khai thực hiện như thế nào.
 
PV: Phó chủ nhiệm có đề xuất gì đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới của nước ta nói riêng và nước thành viên AIPA nói chung? 
 
PCN Lương Phan Cừ: Khuyến nghị của Hội nghị chuyên đề AIPA về Vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật đã nêu khá đầy đủ các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác đối với lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật. Vấn đề giới hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó lồng ghép giới vào quy trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật là hết sức quan trọng. Song, lồng ghép giới trong quy trình lập pháp là vấn đề còn khá mới mẻ. Đòi hỏi phải nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới của bộ máy giúp việc của QH và các cơ quan của QH; năng lực, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới của các nghị sỹ nói chung và của nữ nghị sỹ nói riêng. Quy định bắt buộc về lồng ghép giới trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật tại Luật Ban hành văn bản QPPL và Luật Bình đẳng giới là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện lồng ghép giới, bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình QH xem xét và thông qua các đạo luật. Mỗi khi chính sách và pháp luật được xem xét thông qua, vấn đề giới đã được xem xét, lồng ghép giới trong đó. Ngoài ra, việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nghị sỹ nói chung và của nữ nghị sỹ, nhóm nữ nghị sỹ nói riêng cũng là những giải pháp quan trọng để thực hiện, xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

 

Lệ Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)