PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH PHỤ TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG LÊ THỊ THANH LAM GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

16/01/2024

Sáng 15/1, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề xuất giữ nguyên quy định về đất khu công nghệ thông tin tập trung như tại dự thảo luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Theo dòng sự kiện

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 03 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại 07 phiên họp, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện dự án Luật. Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến Nhân dân, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật đã có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 16 chương và 260 điều bỏ 05 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật văn bản) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu thảo luận đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại 3 kỳ họp, đến nay rất nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện. Cơ bản thống nhất cao với các nội dung, điều khoản tại dự thảo, đại biểu tỉnh Hậu Giang đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số điều khoản liên quan đến quy định về quyền của công dân đối với đất đai, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng; đất khu công nghệ thông tin tập trung;.. nhằm tạo thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn, cụ thể:

Thứ nhất, tại Điều 23 về quyền của công dân đối với đất đai: Khoản 5 quy định "Nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất, mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần"; Phần "góp vốn là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật". Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung "bảo lãnh quyền sử dụng đất và cầm cố quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật", để có căn cứ pháp lý giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Thứ hai, tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng: Khoản 21 có quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất. Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc gia, vì an ninh,... thì Nhà nước nên có thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện về chủ trương hoặc tài chính thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất, thu hồi đất theo cơ chế thị trường.

Thứ ba, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp thứ 6 có quy định về đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung tại Điều 203. Tuy nhiên, qua rà soát dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua kỳ họp bất thường lần này, luật đã bỏ quy định về đất khu công nghệ thông tin tập trung, chỉ còn quy định về đất khu công nghiệp tại Điều 202.

Theo đại biểu, nếu áp dụng chế độ sử dụng đất đối với khu công nghệ thông tin tập trung như khu công nghệ cao như quy định tại dự thảo là không phù hợp. Bởi vì, khu công nghệ thông tin tập trung có đặc thù khác khu công nghệ cao; quy mô diện tích nhỏ hơn, có thể đầu tư từ nguồn vốn nhà nước hoặc của doanh nghiệp, quản trị theo mô hình đơn vị sự nghiệp linh hoạt, có nhiều phương án giao đất.

Ngoài ra, sẽ phải thành lập Ban Quản lý khu công nghệ thông tin tập trung, có chức năng quản lý nhà nước giống như Ban Quản lý khu công nghệ cao, trong khi chưa có quy định cụ thể. Với quy mô nhỏ, việc phát sinh thêm mô hình quản lý trung gian Ban quản lý dự án là không cần thiết. Đây là vướng mắc từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay, vấn đề này sẽ là rào cản đối với phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Nhấn mạnh trong bối cảnh các khu công nghệ thông tin tập trung đã đi vào hoạt động và đang chứng minh tính hiệu quả cao; cùng với đó là quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, đại biểu đề xuất giữ nguyên quy định về đất khu công nghệ thông tin tập trung như quy định tại Điều 203 ,dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 6.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác