ĐẠI BIỂU KHƯƠNG THỊ MAI - ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH: ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN CHO CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ TRONG DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

29/11/2023

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 6. Một trong những nội dung mới tại dự thảo lần này là quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố. Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, quy định sẽ góp phần tăng tính chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong thực hiện các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn,…

Theo dòng sự kiện

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều) với các nội dung cơ bản: Về chính quyền Thủ đô; Về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô; Về phát triển văn hoá, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô;…Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 05 quan điểm chỉ đạo:  Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Phóng viên: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Qua nghiên cứu Tờ trình cũng như Hồ sơ dự án Luật, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án luật?

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Về hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc. Ngoài các tài liệu theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong hồ sơ của dự thảo Luật còn kèm theo bản Thuyết minh chi tiết về từng quy định, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật và dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó dự kiến các công việc, phân công trách nhiệm và tiến độ triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành.

Phóng viên: Nghiên cứu dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, đại biểu có đánh giá như thế nào về những nội dung mới được sửa đổi lần này?

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Tôi nhất trí với Tờ trình số 512 của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhất là những nội dung phân cấp, phân quyền, thể hiện Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành về phân cấp, phân quyền, cụ thể là: Phân cấp cho Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đến 500 hecta và đất rừng trồng hộ đến 1000 hecta trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Nội dung này theo Tờ trình số 512 của Chính phủ, cũng như theo khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trên 10 hecta đất trồng lúa và 20 hecta đất rừng phòng hộ phải xin ý kiến và có văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Quy trình này cũng thể hiện trong luật, quy định 7 bước và thời gian thực hiện là 55 ngày làm việc của địa phương và bộ ngành. Thời gian này chưa kể thời gian trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy chế làm việc của Chính phủ. Nếu phân cấp cho Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, quy trình này chỉ được thực hiện với 5 bước và thời gian là 45 ngày, vì tiết kiệm thời gian cũng chính là tiết kiệm kinh phí và sử dụng tối đa nguồn kinh phí của đất nước.

Về bổ sung thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp giải quyết các công việc đột xuất và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm b, nhóm c, đề nghị nội dung và hỗ trợ địa phương khác trong các trường hợp cần thiết cần phải quy định rõ những nguyên tắc đặc biệt, tạo sự linh hoạt cho Hội đồng nhân dân thành phố.

Bên cạnh đó, tôi rất đồng tình về phát triển nhà ở xã hội quy định tại Điều 31 của dự thảo luật. Về quy định này, dự thảo luật quy định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với đồ án quy hoạch chi tiết, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch thực hiện đồng thời cùng một thời điểm với việc lập đề án quy hoạch chi tiết, nội dung này cũng rất quan trọng, rút ngắn thời gian triển khai thực hiện. Nếu 2 nội dung lấy ý kiến cộng đồng trong thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch và lập đồ án quy hoạch chi tiết thì tiết kiệm 40 ngày trong thời gian lấy ý kiến, chưa kể thời gian xin ý kiến các sở ngành liên quan.

Ngoài ra, tôi cũng tánh thành việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; việc quản lý, sử dụng đất tại Điều 30; việc cho phép sử dụng chi nguồn thường xuyên của cơ quan để cải tạo, nâng cấp các hạng mục chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Phóng viên: Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo, đại biểu có quan tâm góp ý đối với nội dung cụ thể nào tại dự luật?

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Để góp phần hoàn thiện luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tiếp theo, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát nghiên cứu một số nội dung liên quan đến quy định về liên kết vùng, quy định cụ thể việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của các vùng phụ cận;.. Cụ thể:

Về liên kết vùng quy định tại khoản 3 Điều 46, Thủ đô Hà Nội là động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện nay các địa phương đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, vì vậy, không nên quy định quá chi tiết cụ thể từng tỉnh, thành phố thuộc vùng thủ đô mà chỉ nên đưa ra tiêu chí chọn căn cứ vào địa lý, không gian phát triển liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra, cần lưu ý, hiện nay Thủ đô Hà Nội có trên 100 quốc gia đầu tư vào vùng Thủ đô. Sau khi đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng thủ đô, đối với các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của các vùng phụ cận của các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 5 như di chuyển các trường đại học, các cơ sở y tế ra các vùng phụ cận để đảm bảo quy định.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác