Nữ đại biểu Quốc hội đóng vai trò tiên phong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

02/08/2012

Có thể nói, bình đẳng giới đã thực sự trở thành mục tiêu chung mang tính toàn cầu và là thước đo quan trọng đối với sự tiến bộ xã hội của một quốc gia. Hiện nay, phụ nữ ngày càng có cơ hội tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Trong quá trình đó, các nữ nghị sỹ trên thế giới nói chung và của nước ta nói riêng đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Bình đẳng giới được thực hiện bởi hành lang pháp lý tương đối đầy đủ

Phát biểu tại Hội thảo Quốc tế Nhóm nữ ĐBQH với chiến lược quốc gia bình đẳng giới vừa được tổ chức tại Nha Trang, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu rõ: tư tưởng Hiến định về bình đẳng nam nữ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Tư tưởng này đã được kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp tiếp theo và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật. Việt Nam là một trong những nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và nội luật hóa các quy định của Công ước này. Với việc thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới mà mục tiêu của bình đẳng giới đã được xác định trong Luật là Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển KT - XH và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
 
  
Nhằm tạo được hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu bình đẳng giới, trong công tác xây dựng pháp luật, Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề giới, thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật. Ngoài đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp, trong hệ thống pháp luật còn có các văn bản pháp luật có liên quan điều chỉnh đến vấn đề này đó là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Phòng, chống mua bán người 2011, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015... và nhiều chính sách, pháp luật chuyên ngành đã được ban hành. Đây là hành lang pháp lý rất quan trọng góp phần vào việc thực hiện thành công bình đẳng giới.
 
Hướng tới mục tiêu bình đẳng giới thực chất
 
Trải qua 12 nhiệm kỳ Quốc hội, nước ta được đánh giá là nước có tỷ lệ nữ ĐBQH khá cao từ 24 - 27%. Riêng trong Khóa XIII tỷ lệ nữ ĐBQH là 24,4%, đứng thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chất lượng nữ ĐBQH ngày một nâng lên, các nữ ĐBQH Việt Nam đã và đang tham gia tích cực các hoạt động của Quốc hội và đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT - XH của đất nước. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, kỹ năng của các nữ ĐBQH, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII (2007-2011), tổ chức nữ ĐBQH Việt Nam đã ra đời. Tiếp đó, ngày 4/10/2011, UBTVQH đã có Nghị quyết số 265/NQ - UBTVQH13 về việc thành lập Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam Khóa XIII. Nhận định về vai trò của Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam trong quá trình phát triển KT - XH nói chung và vai trò của của nữ ĐBQH trong việc thực hiện bình đẳng giới, Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam Trương Thị Mai cho rằng, việc ra đời của Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam đã tạo diễn đàn để các nữ ĐBQH giao lưu, trao đổi, thảo luận về vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới; tạo diễn đàn để các nữ ĐBQH trao đổi, thảo luận về lồng ghép giới trong công tác lập pháp, giám sát; nâng cao kỹ năng cho nữ ĐBQH trong việc phân tích, nhận biết về vấn đề giới, thẩm tra lồng ghép giới trong xây dựng, thực thi pháp luật...
 
Thời gian qua, với sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, và của chính bản thân, mỗi nữ ĐBQH đã có những đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2011 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam có chỉ số bình đẳng giới xếp thứ 48/187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền, trong những năm gần đây Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện bình đẳng giới. Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là quốc gia có tốc độ thu hẹp khoảng cách về giới nhanh nhất trong 20 năm gần đây của khu vực Đông Nam Á. Việc thực hiện Công ước CEDAW và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) trong đó có mục tiêu thứ 3 về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ cũng chính là sự nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
 
Thống kê cho thấy việc thực hiện bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. Trong đời sống chính trị, tỷ lệ nữ tham gia vào ĐBQH Khóa XIII đạt 24,4%, tỷ lệ nữ HĐND từ cấp tỉnh đến cấp xã đều tăng so với nhiệm kỳ trước và đạt trên 20% ở mỗi cấp. Trong lĩnh vực lao động việc làm cũng đạt được kết quả khá ấn tượng. Từ năm 2006 đến nay, cả nước đã tạo việc làm cho 8,065 triệu lao động, trong đó, lao động nữ chiếm 48,2%. Tỷ lệ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt hơn 20%. Trong lĩnh vực y tế, cùng với tiến bộ y học và các chính sách của ngành y tế, phụ nữ ngày càng có điều kiện tiếp cận hơn với các dịch vụ y tế, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm mạnh từ 233/100.000 trẻ sơ sinh sống (năm 1999) xuống còn 67/100.000 trẻ sơ sinh sống (năm 2011)... Ngoài ra, trong các tiếp cận phúc lợi kinh tế, xã hội và văn hóa; quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình; phòng chống mua bán bóc lột phụ nữ mại dâm và bạo lực gia đình cũng đã đạt được những kết quả nhất định nhờ sự nỗ lực của tất các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
 
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đằng giới thực chất là một quá trình lâu dài và đòi hỏi các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách và tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ, trẻ em gái được tham gia, thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển KT - XH mang lại. Đây thực sự là một thách thức lớn trong điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu đặt ra.
 
Tiến tới bình đẳng giới thực chất là mục tiêu cần phải hướng tới, đòi hỏi sự kiên trì và vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Trong đó, nữ ĐBQH thông qua các hoạt động cụ thể của mình, phải thể hiện được vai trò tiên phong trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Mục tiêu về bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia QH chưa đạt được nhưng với cơ chế hoạt động và sự hỗ trợ của Nhóm Nữ ĐBQH, các hoạt động của các nữ đại biểu sẽ mang tính chuyên nghiệp hơn và là nền tảng rất quan trọng để tiến tới hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất nhất.

Hà An

(http://daibieunhandan.vn)