Báo cáo hoạt động của Nhóm từ khi thành lập đến nay và dự kiến Chương trình hoạt động đến hết năm 2008 và năm 2009 đã được Ban thường trực Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam thông qua tại phiên họp ngày 03 tháng 11 năm 2008
QUỐC HỘI KHOÁ XII
-----------------
NHÓM NỮ NGHỊ SĨ VIỆT NAM
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------------
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2008
|
BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM NỮ NGHỊ SĨ VIỆT NAM
TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẾN NAY VÀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH
HOẠT ĐỘNG ĐẾN HẾT NĂM 2008 VÀ NĂM 2009
Kính gửi : Các thành viên Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam,
Ngày 15/5/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 620/2008/NQ-UBTVQH về việc thành lập Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Nhóm đã tích cực triển khai một số hoạt động. Sau đây là báo cáo hoạt động của Nhóm từ khi thành lập đến nay và dự kiến Chương trình hoạt động đến hết năm 2008 và năm 2009 đã được Ban thường trực Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam thông qua tại phiên họp ngày 03 tháng 11 năm 2008.
I. HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẾN NAY
1. Công tác tổ chức
- Lễ ra mắt Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam, Ban thường trực Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam tại Phủ Chủ tịch với sự chứng kiến của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội (25/5/2008)
- Ban thường trực đã lấy ý kiến nữ đại biểu về việc tham gia Nhóm và có danh sách bước đầu về thành viên Nhóm. Phân chia các Nhóm đại biểu theo khu vực địa lý và các thành viên Ban thường trực là đầu mối.
2. Hoạt động về bình đẳng giới, lồng ghép giới
- Tổ chức gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội với chủ đề “Lồng ghép giới trong dự án Luật cán bộ, công chức” tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
- Phối hợp với Uỷ ban về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo “Nhóm nữ nghị sĩ và vấn đề bình đẳng giới” tại Đà Nẵng, Hội thảo về triển khai thi hành Luật bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại Yên Bái.
- Các thành viên tham dự Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật” tại Đà Lạt.
3. Công tác tuyên truyền, truyền thông
Có các hoạt động tuyên truyền về Nhóm lồng ghép trong các hoạt động của Nhóm, đặc biệt trong hoạt động đối ngoại.
Đã đề xuất với Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của Quốc hội về việc thiết lập trang tin về Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam trong trang web của Quốc hội, đồng thời, chỉ đạo Vụ các vấn đề xã hội làm việc với Trung tâm tin học bàn về nội dung, cách thức triển khai, chuẩn bị dữ liệu.
4. Công tác xã hội
Tiến hành thăm hỏi và tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ nhân dịp ngày thương binh liệt sĩ, thăm và tặng quà người khuyết tật nhân Hội thảo “lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật bảo hiểm y tế và việc thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật” tại Cần Thơ, thăm và tặng quà một số gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt lũ quét vừa qua tại Yên Bái. (Nguồn kinh phí : từ sự đóng góp tự nguyện của thành viên Nhóm là chủ doanh nghiệp).
5. Công tác đối ngoại
Đại diện Ban thường trực Nhóm và một số thành viên đã tiếp Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội Thuỵ Điển, tiếp các Trưởng đoàn tham dự Hội các trưởng đoàn tham dự khoá họp Uỷ ban phụ nữ ASEAN lần thứ 7 tại Việt Nam (AVW7), Phu nhân Bộ trưởng Bộ tư pháp Anh. Đồng thời, Chủ tịch Nhóm đã tham gia họp Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA), tham gia Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) bàn về các vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới.
II- DỰ KIẾN HOẠT ĐỘNG ĐẾN CUỐI NĂM 2008 VÀ NĂM 2009
1. Công tác tổ chức :
- Hoàn thiện danh sách thành viên Nhóm và lập danh bạ về thành viên Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam.
- Đề xuất việc hướng đến hình thành một dòng ngân sách riêng cho hoạt động của Nhóm nữ nghị sĩ (bao gồm cả hoạt động đối ngoại) trong Ngân sách của Ủy ban về các vấn đề xã hội từ năm 2009[[1]].
- Duy trì hoạt động của Ban thường trực Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam, mỗi năm ít nhất 2 cuộc họp bàn triển khai công tác. Phân công thêm một số thành viên Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam giúp Ban thường trực trong việc triển khai hoạt động. Khuyến khích việc tăng cường hoạt động của 3 nhóm nữ nghị sĩ theo khu vực. Huy động tối đa sự tham gia của các thành viên Nhóm đối với hoạt động chung của Nhóm.
Ban thường trực Nhóm đã đề nghị đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đại biểu Đà Nẵng) hỗ trợ Ủy viên Ban thường trực Nguyễn Thị Thu Hồng trong việc làm đầu mối nhóm đại biểu khu vực miền Trung; đại biểu Nguyễn Thị Kim Oanh (đại biểu tỉnh Bình Dương) và đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (đại biểu thành phố Cần Thơ) hỗ trợ Phó Chủ tịch Nhóm Nguyễn Thị Bạch Mai trong việc làm đầu mối nhóm đại biểu khu vực phía Nam.
- Huy động các nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động Nhóm
- Phối hợp chặt chẽ giữa Ban thường trực Nhóm và lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ
2. Công tác tuyên truyền, truyền thông
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam.
- Đưa trang tin Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam vào hoạt động.
3. Hoạt động về bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới
- Hội thảo về kỹ năng lồng ghép giới tại Bình Thuận (tháng 12/2008)
- Tăng cường sự tham gia của đại biểu trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật. Tổ chức ít nhất hai hội thảo về lồng ghép giới.
- Tổ chức 1-2 cuộc toạ đàm chuyên đề.
4. Công tác xã hội
- Thăm và tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp các ngày lễ, Tết hoặc tại một số địa phương kết hợp với việc tổ chức hội nghị, hội thảo.
5. Hoạt động đối ngoại
- Phối hợp Uỷ ban đối ngoại tổ chức gặp mặt nữ nghị sĩ ASEAN (WAIPA) cuối năm 2009.
- Phối hợp Uỷ ban về các vấn đề xã hội tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực vào năm 2009, có thể chủ đề về sự tham gia của các Nhóm nữ nghị sĩ vào việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (hoặc hẹp hơn : xoá đói giảm nghèo, phòng chống bạo lực gia đình…)
- Tiếp các đoàn nghị sĩ nước ngoài và các tổ chức, cá nhân quốc tế hoạt động về bình đẳng giới khi được yêu cầu.
- Cử thành viên Nhóm tham gia diễn đàn quốc tế về vấn đề giới, bình đẳng giới hoặc về hoạt động của Nhóm nữ nghị sĩ.
*
* *
Trên đây là báo cáo một số hoạt động của Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam từ khi thành lập đến nay và dự kiến hoạt động từ nay đến hết năm 2009, xin báo cáo các thành viên Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam.
Nơi nhận :
- Như trên,
- Chủ tịch Quốc hội (để báo cáo)
- PCT QH Tòng Thị Phóng (để báo cáo),
- PCTN Nguyễn Thị Doan,
- Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại,
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,
- Trưởng Ban công tác đại biểu,
- Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam,
- Lưu.
|
T/M NHÓM NỮ NGHỊ SĨ VIỆT NAM
Chủ tịch
(đã ký)
Trương Thị Mai
|
[1] Trong Công văn của Uỷ ban về các vấn đề xã hội gửi Văn phòng Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2009 đã dự trù khoản này