ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẢI DƯƠNG: NGOẠI GIAO VĂN HOÁ LÀ NỀN TẢNG, ĐỘNG LỰC CHO NGOẠI GIAO CHÍNH TRỊ, NGOẠI GIAO KINH TẾ

21/03/2024

Cho rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời đúng nội dung trọng tâm về vấn đề “ngoại giao văn hóa” của mình tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh trong thời gian tới, ngành ngoại giao cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, bởi đây chính là nền tảng, động lực cho ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế đất nước.

Theo dòng sự kiện

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Phóng viên: Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực ngoại giao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, bà đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao liên quan đến “Chiến lược ngoại giao văn hóa”. Xin bà cho biết, ngoại giao văn hóa có vai trò quan trọng như thế nào đối với chính trị đất nước?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng, ngoại giao văn hoá có vai trò rất quan trọng trong hoạt động ngoại giao nói riêng và trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Trước tiên nói về hoạt động ngoại giao. Chúng ta xác định có 3 trụ cột chính của ngoại giao là: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá. Có thể nói, đã có những lúc, ngoại giao văn hoá chưa được nhìn nhận đúng với vai trò và vị trí. Nhưng trong thời gian gần đây, ngoại giao văn hoá càng ngày càng được coi trọng và càng ngày càng chứng minh được một cách thuyết phục vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước nói chung.

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31

Chúng ta có thể hiểu một cách rất ngắn gọn về ngoại giao văn hoá đó là hoạt động ngoại giao được thực hiện qua văn hoá. Bằng việc giới thiệu những truyền thống, tinh hoa văn hoá của đất nước với bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ đạt được kết quả là thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại với các quốc gia trên thế giới.

Khi các quốc gia "bị thuyết phục" "bị quyến rũ" bởi vẻ đẹp văn hoá độc đáo của Việt Nam thì Việt Nam sẽ có sức thu hút rất lớn với bạn bè quốc tế. Từ lòng yêu mến truyền thống, cốt cách văn hoá của một quốc gia, dân tộc, các quốc gia sẽ sẵn sàng cho nhiều cơ hội cùng hợp tác, hỗ trợ để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hoá cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế. Du lịch vốn được các quốc gia coi là "ngành công nghiệp không khói" để phát triển kinh tế một cách ổn định và bền vững. Cho nên, ngoại giao văn hoá, suy cho cùng chính là nền tảng, là động lực cho hai trụ cột còn lại là ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Chính bởi vậy, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tôi đã rất quan tâm đến ngoại giao văn hoá để mong muốn Bộ trưởng không những có đánh giá về kết quả Ngoại giao văn hoá chúng ta đã đạt được trong thời gian qua và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới để ngoại giao văn hoá ngày càng được quan tâm, ngày một phát triển mạnh mẽ, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.

Phóng viên: Bà có đánh giá như thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về vấn đề này, cũng như những kết quả  ngoại giao văn hóa nước ta trong những năm gần đây?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời đúng nội dung trọng tâm câu hỏi của tôi. Bộ trưởng đã nêu ra những kết quả nổi bật nhất của Chiến lược Ngoại giao văn hoá trong thời gian qua. Trong đó có nhấn mạnh vào việc xây dựng thương hiệu địa phương, tổ chức các diễn đàn, các tuần văn hoá Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới; tích cực kết hợp chặt chẽ ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế!

Tuy nhiên, tôi thấy Bộ trưởng chưa nhấn mạnh vào việc chú trọng ngoại giao văn hoá qua việc xúc tiến Du lịch ở các thị trường tiềm năng trên thế giới. Thực ra, trong xúc tiến du lịch đã thể hiện rất rõ về ngoại giao văn hoá. Việt Nam đã được nhiều tổ chức về du lịch, nhiều tạp chí và du khách bình chọn là điểm đến văn hoá hấp dẫn của khu vực châu Á. Với tài nguyên văn hoá đa dạng, phong phú gắn liền với các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, làng nghề..., chúng ta có thế mạnh khá nổi trội để phát triển du lịch văn hoá và trải nghiệm. Vậy thì việc xúc tiến du lịch ở thị trường quốc tế cũng cần được coi là một khía cạnh của ngoại giao văn hoá.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Tôi nhận thấy, trong những năm gần đây, ngoại giao văn hoá ngày một được quan tâm và thu được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những "khoảng trống" nhất định trong ngoại giao văn hoá nên tôi mong muốn thời gian tới, những khoảng trống này sẽ được lấp đầy. Việc tổ chức các hoạt động văn hoá ở nước ngoài chẳng hạn, chúng ta thiếu những chiến lược dài hơi, thiếu những sự kiện tầm cỡ. Có thể lý giải do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên chưa tổ chức được như mong muốn. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận những hoạt động này ở góc độ thu hút đầu tư, làm nền tảng để phát triển kinh tế, thì việc chúng ta chưa bố trí kinh phí xứng đáng để tổ chức các hoạt động này lại là điều cần rút kinh nghiệm.

Hơn nữa, tôi muốn nói đến khía cạnh này: Ngoại giao văn hoá không chỉ tập trung ở các sự kiện, các hoạt động có quy mô tầm cỡ, mà phải được chú trọng từ những việc nhỏ nhất, từ những hành động tưởng đơn giản nhất của mỗi cá nhân khi đi ra nước ngoài. Ví dụ với đội ngũ học sinh, sinh viên đi du học, với những người đi lao động xuất khẩu, rất cần được tập huấn, dặn dò, nhắc nhở về tác phong, thái độ, lối sống... sao cho thể hiện tốt nhất truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam. Mỗi công dân Việt Nam đặt chân sang nước bạn đều phải là một đại sứ văn hoá, để bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc và yêu mến con người, văn hoá, truyền thống Việt Nam.

Những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm lối sống đạo đức, văn minh ở nước bạn... đều làm xấu hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực thực hiện chiến lược ngoại giao văn hoá của quốc gia. Vì vậy, ngoại giao văn hoá không phải là việc của riêng ngành Ngoại giao.

Phóng viên: Theo bà, để ngoại giao văn hóa thực sự mang về cho đất nước những lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp trên trường quốc tế, ngành ngoại giao cần tập trung đẩy mạnh những hoạt động nào trong thời gian tới?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, để phát triển ngoại giao văn hoá, ở góc độ ngành ngoại giao cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ vừa năng động, sáng tạo, vừa giàu năng lực và nhiệt huyết. Việc kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy của ngành ngoại giao là vô cùng quan trọng. Nhất là với các cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" (Chủ tịch Hồ Chí Minh), nên mọi thành tựu đều bắt đầu từ yếu tố con người.

Thứ hai,  tiếp tục kịp thời tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội quyết sách những chế độ, chính sách hợp lý cho ngành Ngoại giao. Tôi biết hiện nay chúng ta vẫn thiếu những ưu đãi thực sự mang tính đặc thù cho ngành ngoại giao, nhất là những chính sách về thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho các cán bộ ngoại giao công tác dài hạn ở nước ngoài.

Thứ ba, tích cực tham mưu cho Chính phủ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá ở các nước trên thế giới, nhất là những quốc gia là thị trường khách du lịch tiềm năng. Chú trọng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, nhất là du lịch văn hoá.

Thứ tư, hỗ trợ tích cực các địa phương tổ chức các lễ hội văn hoá có yếu tố quốc tế, các hoạt động xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận các danh hiệu đối với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Thứ năm, quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tập huấn ngoại giao văn hoá và văn hoá ngoại giao cho công chức, lãnh đạo các ngành, các tỉnh thành...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác