PHÓ ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH PHỤ TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG LÊ THỊ THANH LAM: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HĐND NĂM 2024 – KỲ VỌNG NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ, KINH NGHIỆM HAY ĐƯỢC NHÂN RỘNG

14/03/2024

Theo Chương trình dự kiến, ngày 25/3 tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác của HĐND năm 2024. Quan tâm tới sự kiện này, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng Hội nghị có ý nghĩa quan trọng không chỉ đánh giá kết quả hoạt động mà còn đưa ra giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.

Theo dòng sự kiện

Theo Kế hoạch số 744/KH-UBTVQH15 ngày 28/02/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024, Hội nghị năm nay có quy mô khá lớn, do Thành phố Hà Nội phối hợp đăng cai tổ chức, với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu chính thức, trong đó có gần 500 đại biểu địa phương. Hội nghị sẽ diễn ra trong một ngày 25/03/2024, tại khách sạn Melia, Hà Nội.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang

Phóng viên: Thưa đại biểu, theo dự kiến Chương trình, ngày 25/3 tới đây sẽ diễn ra Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của Hội nghị lần này?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Theo tôi việc tổ chức Hội nghị lần này rất quan trọng đối với hoạt động của HĐND các cấp; vì thời gian qua HĐND các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2023. Các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương.

Ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị lần này là để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND các cấp trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có những chỉ đạo cụ thể và có những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đưa ra nhiều quyết sách sát thực tế hơn về hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian tới. Đồng thời, Hội nghị cũng là cơ hội để HĐND các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong quá trình hoạt động,...

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.

Phóng viên: Từ thực tế tại địa phương, đại biểu có đánh giá như thế nào về những đổi mới và kết quả tiêu biểu trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời  gian gần đây?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Theo tôi thì kể từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Hội đồng nhân dân các cấp đã có những cải tiến, đổi mới về hoạt động đặc biệt đối với công tác giám sát đã có những đổi mới về nội dung cũng như hình thức giám sát. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát tại kỳ họp, giám sát chuyên đề ngày càng được nâng cao, đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm mà Nhân dân quan tâm, nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Tổ chức tọa đàm trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, sử dụng công nghệ số, phòng họp không giấy vào hoạt động của HĐND nhằm tiết kiệm và cung cấp thông tin kịp thời trong mọi hoạt động của HĐND.

Với tinh thẩn thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm các đại biểu HĐND các cấp đã xem xét các báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đảm bảo các nghị quyết đã được HĐND ban hành được thực thi có hiệu quả. Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, đại biểu HĐND đã chỉ rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn tiếp tục được đổi mới theo hướng thực chất. Đa số các ý kiến chất vấn đều được trả lời, giải trình làm rõ, có giải pháp khắc phục, được đại biểu đồng tình, thống nhất cao. Sau mỗi phiên họp chất vấn, HĐND nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổ chức giám sát trong thực hiện các vấn đề, các cam kết trước cử tri và Nhân dân địa phương.

Ngoài ra, các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề được HĐND xem xét thận trọng, toàn diện, khách quan và đã ban hành nghị quyết về kết quả giám sát làm cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện và tổ chức theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định.

Phóng viên: Công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Hội đồng Nhân dân địa phương trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được triển khai như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Năm 2023, Đoàn ĐBQH đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 6 hội nghị xây dựng pháp luật, góp ý vào 16 dự án luật xem xét thông qua, 08 dự án luật cho ý kiến lần đầu, 01 dự án luật cho ý kiến lần 2, 01 dự án luật cho ý kiến lần 3 và nhiều nghị quyết tại các kỳ họp bất thường, kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khoá XV. Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát 04 chuyên đề và đang triển khai giám sát 04 chuyên đề năm 2024 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, còn tham gia Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội; giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh và giám sát việc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Có thể nói, công tác phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh luôn nhịp nhàng, trách nhiệm cao trong mọi hoạt động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong năm 2023.

Phóng viên: Trước thềm Hội nghị quan trọng này, đại biểu có kỳ vọng gì về kết quả cũng như sức lan tỏa của Hội nghị trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng nhân dân năm 2024?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Trước thềm hội nghị lần này với sự lan tỏa trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là việc áp dụng triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, các quy định của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2024 sẽ có những chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm, đem lại kết quả tốt nhất, giải quyết thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng chính đáng cho Nhân dân cả nước nói chung, và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác