Tọa đàm "CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam"

24/11/2009

T.P Hà Nội – ngày 24 tháng 11 năm 2009 : Công ước Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 18/12/1979.

T.P Hà Nội – ngày 24 tháng 11 năm 2009 : Công ước Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 18/12/1979. Sự ra đời của Công ước CEDAW là một mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh vì quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ. Cho đến nay, Công ước này đã được 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn. trở thành điều ước quốc tế có số lượng thành viên chỉ đứng sau Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Chỉ 7 tháng sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, ngày 29/7/1980 Công ước CEDAW đã được Nhà nước Việt Nam ký tham gia và đến tháng 11/1981 được Hội đồng Nhà nước của Quốc hội khoá VII (từ 1981 đến 1987) phê chuẩn, ngày 19/3/1982. Công ước CEDAW chính thức có hiệu lực tại Việt Nam.

Kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ được thông qua, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc tổ chức tọa đàm “CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam” nhằm đánh giá lại những thành tựu và thách thức trong việc thực hiện cam kết CEDAW tại các quốc gia nói chung, tại Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và vai trò của đại biểu Quốc hội, đồng thời kiến nghị các giải pháp để thực hiện tốt hơn Công ước CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban dân vận trung ương Hà Thị Khiết, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam, đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, một số các cơ quan, tổ chức có liên quan, đại diện Lãnh đạo của các cơ quan Liên hợp quốc, sứ quán một số nước và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
 
 
Về ý nghĩa của CEDAW trong việc thúc đấy bình đẳng giới đối với các quốc gia trên thế giới, Quyền điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Jesper Morch phát biểu : “Việc phê chuẩn Công ước CEDAW là kết quả của sự nỗ lực quốc tế qua hàng thập kỷ trong việc bảo vệ và đẩy mạnh quyền của phụ nữ trên toàn thế giới. Công ước đã trở thành một phần trong hệ thống các văn bản quốc tế về quyền con người và nhằm đảm bảo các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, không phân biệt giới tính, trong việc thụ hưởng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Công ước quy định những nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ trên mọi lĩnh vực bất kể công hay tư.”
 
Là một quốc gia thành viên của Công ước CEDAW, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Công ước CEDAW. Nhiều chuẩn mực, nguyên tắc của CEDAW đã được thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa Công ước CEDAW vào pháp luật bình đẳng giới, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam GS.TS. Nguyễn Thị Doan đã khẳng định: sau khi có Luật bình đẳng giới (2006) “việc lồng ghép giới đã trở thành một quy trình, thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật - Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn ở Việt Nam”.
 
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam,  Bà Trương Thị Mai cũng nêu rõ: “Mục tiêu bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam được bảo đảm bằng trách nhiệm quốc gia trước cộng đồng quốc tế…, vấn đề bình đẳng giới không còn là điều tuyên ngôn long trọng trên văn bản, mà đã trở thành một nguyên tắc chủ đạo, có giá trị chi phối đối với pháp luật có liên quan đến quyền con người và được bảo đảm trên thực tế bằng những biện pháp phù hợp”.Các báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện CEDAW tại Việt Nam cho thấy, quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới đã không ngừng được nâng cao và hoàn thiện hơn từ trong quy định của pháp luật tới thực tiễn thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động - việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, hôn nhân - gia đình,...
 
“Con đường để đạt được bình đẳng giới thực chất vẫn còn ở phía trước, Việt Nam cùng với cộng đồng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để những tư tưởng tiến bộ và các giá trị, chuẩn mực pháp lý do CEDAW mang lại trở thành nguyên tắc xử sự chung cho các quốc gia trên toàn thế giới” – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói. Phó chủ tịch nước bày tỏ hy vọng “Cùng với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả Công ước CEDAW, pháp luật về bình đẳng giới và góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” tại Việt Nam”.

 

(Vụ Các vấn đề xã hội)