ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM ANH - ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG: QUY ĐỊNH RÕ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TRIỂN KHAI CÁC PHIÊN GIẢI TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

20/03/2024

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, việc quyết định tổ chức giải trình cần được Ủy ban xem xét quyết định trong Chương trình giám sát hàng năm và ban hành Nghị quyết để thực hiện. Đối với những nội dung giải trình mang tính thời sự thì cần có nguồn lực, cơ chế huy động để triển khai nhằm đảm bảo hiệu quả.

Theo dòng sự kiện

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày 19/03/2024

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, khóa XV hoạt động giải trình được đẩy mạnh, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Nội dung lựa chọn để giải trình cũng nhiều hơn và đi sâu vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Điều đó cho thấy, hoạt động giải trình đã ngày càng được các cơ quan của Quốc hội quan tâm tổ chức và trở thành công cụ đắc lực trong việc tham mưu, giúp Quốc hội giám sát, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tờ trình... Đồng thời, thông qua giải trình, những vấn đề nóng, phức tạp trong quản lý nhà nước, hoạch định chính sách đã được đưa ra thảo luận công khai, đa chiều, làm tăng lòng tin của dư luận, cử tri vào quy trình làm việc công khai, minh bạch ngay từ khâu cho ý kiến, xây dựng chính sách.

Giải trình là điểm nhấn trong hoạt động giám sát

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ các theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và theo chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã tổ chức 06 phiên giải trình: “Thực thi chính sách pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi”, “Giải trình về Amiăng trắng”; “Giải pháp kỹ thuật phòng chống sụt lún, sạt lở các tỉnh phía Nam”; “Tình hình xử lý tro, xỉ các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao, xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất”;“An ninh nguồn nước phụ vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an tòan hồ, đập”;“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh khẳng định, thông qua giải trình đã góp phần giúp vai trò của Ủy ban được thể hiện rõ nét, là điểm nhấn trong hoạt động giám sát của Ủy ban; làm chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, là kênh thông tin, cơ sở giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu ban hành các chủ trương, nghị quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng  của đất nước. Tạo sự chuyển biến trong công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền, tạo ra thay đổi tích cực trong tư duy và thực tiễn công tác quản lý nhà nước; các nội dung được lựa chọn của sau giải trình đều có chuyển biến tích cực.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động giải trình còn có những hạn chế, tồn tại như: các buổi giải trình vẫn thiên về báo cáo, hỏi đáp giữa đại biểu và đại diện Bộ ngành hữu quan, các thành viên Ủy ban chưa thực sự trở thành “người trọng tài” ngồi nghe các bên tranh luận, thảo luận và cung cấp chứng cứ; khả năng tham gia của thành viên Ủy ban vào các hoạt động giải trình là khá hạn chế.

Mặc dù đã được quy định tại Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Điều 82 của Luật Tổ chức Quốc hội, tuy nhiên, việc lựa chọn vấn đề giải trình hiện đang được triển khai theo các vấn đề nổi cộm trong xã hội hoặc theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên hoặc kiến nghị cử tri, mà chưa có quy định hay hướng dẫn về việc lựa chọn và trình tự, thủ tục lựa chọn vấn đề giải trình; giá trị pháp lý của kết luận phiên giải trình còn chưa cao.

Chưa có quy định về hoạt động giải trình đối những vấn đề thuộc lĩnh vực do nhiều cơ quan của Quốc hội phụ trách cũng gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Do tính chất đặc thù của các nội dung giải trình mang tính thời sự nên nhiều nội dung chưa được đưa vào chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban. Chưa có sự phân công rõ ràng giữa trách nhiệm của đơn vị phụ trách nội dung và đơn vị phục vụ hậu cần nên nhiều khi triển khai còn lúng túng, chồng chéo…

Quy định rõ nguyên tắc, phạm vi, tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình

Nghị quyết 696/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành ngày 25/01/2024 đã quy định về nguyên tắc, phạm vi và tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình; việc điều hòa hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đồng thời có những quy định mới, cụ thể và chặt chẽ hơn về hoạt động giải trình. Trong đó, quy định việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Trách hiệm người được yêu cầu giải trình: Phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giải trình, phải chịu trách nhiệm về hành vi cản trở, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong kết luận vấn đề được giải trình. Đồng thời cũng có quyền đề nghị các cơ quan Quốc hội tổ chức phiên giải trình xem xét lại nội dung dự thảo kết luận vấn đề được giải trình trước khi thông qua. Trong trường hợp không tán thành với kết luận vấn đề được giải trình và có căn cứ xác định kết luận vấn đề được giải trình chưa khách quan, chưa đúng thực tế thì tự mình hoặc báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị Quốc hội, UBTVQH xem xét lại kết luận vấn đề được giải trình.

Việc thông qua và gửi kết luận vấn đề được giải trình: Kết luận vấn đề được giải trình thông qua ngay tại phiên giải trình theo hình thức biểu quyết của các thành viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban Quốc hội tổ chức phiên giải trình. Kết luận vấn đề được giải trình phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện kết luận, trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết luận vấn đề được giải trình được gửi đến UBTVQH, đại biểu Quốc hội, người được yêu cầu giải trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Quy định Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các Ủy ban của Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận; xem xét, đánh giá báo cáo việc thực hiện kết luận và báo cáo kết quả thực hiện đến UBTVQH. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các ủy ban của Quốc hội đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình và làm rõ trách nhiệm về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận; kiến nghị UBTVQH xem xét, quyết định. Trường hợp Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội có kiến nghị về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kiến nghị giám sát.

Cần có quy trình rút gọn để tổ chức phiên giải trình đối với các nội dung mang tính thời sự, nổi cộm.

Để tăng cường hiệu quả của các phiên giải trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cho biết Ủy ban KH,CN&MT sẽ phổ biến rộng rãi và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung quy định trong Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 ngày 25/01/2024  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức

Nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức, điều hành, mở rộng đối tượng giải trình để tăng cường hiệu quả của các phiên giải trình. Tăng cường theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận các phiên giải trình; đồng thời tham mưu, đề xuất giải pháp đối với các nội dung chưa được giải quyết, hoặc giải quyết chưa đầy đủ, trong trường hợp cần thiết yêu cầu các cơ quan liên quan giải trình báo cáo kết quả thực hiện các kết luận. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các phiên giải trình, về kết quả thực hiện kết luận các phiên giải trình trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, giám sát.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh, Nghị quyết 696/NQ-UBTVQH ra đời đã làm rõ những quy định về giải trình quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân..., tạo cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực của các phiên giải trình. Tuy nhiên, thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phiên giải trình, việc quyết định tổ chức giải trình cần được Ủy ban xem xét quyết định trong Chương trình giám sát hàng năm và ban hành Nghị quyết để thực hiện. Đối với những nội dung giải trình mang tính thời sự thì cần có nguồn lực, cơ chế huy động để triển khai nhằm đảm bảo hiệu quả.

Quy định rõ cơ chế huy động nguồn lực triển khai các phiên giải trình; phân công rõ ràng trách nhiệm của các đơn vị tham mưu, phục vụ, đảm bảo tổ chức phiên giải trình thuận lợi. Đồng thời, có quy trình rút gọn để tổ chức đối với các nội dung mang tính thời sự, nổi cộm cần có sự vào cuộc của Quốc hội, cũng như quy định về thời gian giải quyết các kiến nghị trong kết luận của phiên giải trình, đảm bảo nội dung kết luận được triển khai nhanh và giải quyết được bức xúc trong xã hội.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác