ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

"TÂM HUYẾT NHẤT LÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ LỢI CHO DÂN"

Mười tám tuổi, chị đã là Tiểu đội Trưởng rồi Đại đội Trưởng dân quân Nam Ngạn, hoạt động sôi nổi khắp vùng. Hai  mươi tuổi chị trở thành Khu Đội Trưởng Dân quân tiểu khu Nam Ngạn, hiên ngang đứng phất cờ chỉ huy đồng đội đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Đó cũng là trận thắng lịch sử mở màn mặt trận trên không của quân và dân Việt Nam với không lực tối tân của Hoa Kỳ. Một nhà báo Pháp nổi tiếng khi viết về chị những năm tháng đó đã phải thốt lên: "Đẹp như trăng rằm, rắn như thép!". Sau chiến thắng trận đầu, chị vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ, nhận Cờ quyết thắng do Bác trao tặng cho quân và dân tiểu khu Nam Ngạn. Sau những ngày chỉ huy chiến đấu ở Nam Ngạn - Hàm Rồng, chị tình nguyện vào quân đội và là sỹ quan quân đội. Chị là Nguyễn Thị Hằng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng liên tíếp các khóa VI, VII, VIII và IX, đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII và XI.

Năm 1971, tròn 27 tuổi, được cử tri tín nhiệm, chị Nguyễn Thị Hằng chính thức trở thành đại biểu Quốc hội khóa IV. Đem nhiệt huyết của tuổi trẻ vào nghị trường những năm chiến tranh, chị ra sức học hỏi, phát huy năng lực và nhiệt tình vào công tác tiếp xúc cử tri, vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc, bảo vệ hậu phương. Chị tham gia nhiều đoàn đại biểu nước ta đi các nước vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ. Năm 1974, từ Tỉnh đoàn Thanh Hóa ra Hà Nội, là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sau đó tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng, một năm sau chị tiếp tục được bầu vào Quốc hội khóa V. Là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hoạt động sôi nổi trên mặt trận ngoại giao nhân dân, vận động các nước ủng hộ và viện trợ. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị tham gia Hội nghị Hiệp thương chính trị hai miền Nam - Bắc để chuẩn bị thống nhất đất nước. Quốc hội lúc này bề bộn công việc, vừa chuẩn bị tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam thống nhất, vừa tiến hành xây dựng và ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội hàn gắn vết thương chiến tranh. Năm 1979, chị tiếp tục được bầu vào Quốc hội khóa VI và tiếp đó là khóa VII. Tham gia Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Quốc hội, chị nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng, ban hành các chính sách, nghị quyết về việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vận động thanh niên học tập chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong kinh tế nông nghiệp, khai hoang để đất nước có thể tự túc lương thực. Tiếp xúc và gắn bó sâu sắc với đời sống của cử tri, chị hiểu đất nước sau chiến tranh còn bề bộn khó khăn, đối tượng chính sách lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao, người tàn tật, người cô đơn không nơi nương tựa sau nhiều năm chiến tranh còn rất nhiều. Chị bắt đầu đi sâu vào các lĩnh vực xã hội, nghiên cứu đề xuất về tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Khi chuyển về Bộ lao động - Thương binh và xã hội làm Thứ trưởng, chị tiếp tục đi sâu nghiên cứu, theo đuổi các chính sách xã hội trên nhiều lĩnh vực. Những năm đó, đất nước khó khăn, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Được phân công phụ trách lĩnh vực quan hệ quốc tế, xóa đói giảm nghèo và di dân kinh tế mới, chị đã mạnh dạn đề xuất, tham mưu cùng lãnh đạo Bộ mở rộng quan hệ với các nước, giải quyết ổn định cho hàng chục vạn lao động Việt Nam tại các nước Liên Xô và Đông Âu cũ. Đồng thời tranh thủ được hàng trăm triệu USD cho xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ các đối tượng xã hội. Phát huy sở trường ngoại giao và một phong cách tư duy năng động, luôn nhạy bén với cái mới, chị cùng các đồng nghiệp đi các nước vận động được nhiều chương trình, dự án và viện trợ cho Việt Nam để phát triển kinh tế ở các vùng nghèo đặc biệt khó khăn, khởi đầu cho những hỗ trợ quốc tế đối với chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam sau này.                                                                                                                                             

Năm 1997, đất nước chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường, chị được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Năm 2001, chị lại được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XI, với vai trò này đã giúp chị cùng tập thể lãnh đạo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hoàn thành được nhiều công việc mà Đảng và nhân dân giao phó. Với mảng chính sách xã hội khá rộng và phức tạp, liên quan đến cuộc sống của hàng chục triệu người, trong đó khoảng 10% dân số là thương binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; 30% hộ nghèo (vào những năm 1990) và khoảng 10% đối tượng xã hội, người tàn tật, người cô đơn không nơi nương tựa, ở vai trò đại biểu Quốc hội, chị nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của cử tri, phát hiện những yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển đang đặt ra, chuyển tải thành những ý kiến đóng góp với Quốc hội trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh và nghị quyết về các vấn đề trọng đại của đất nước. Bản lĩnh chính trị của một cán bộ nữ trưởng thành từ thực tế trong chiến tranh cộng với tư duy nhạy bén, sâu sát cuộc sống và liên tục học hỏi đã tạo nên ở chị và tập thể lãnh đạo một phong cách làm chính sách vừa ưu tiên đột phá, vừa giải quyết được các vấn đề lịch sử có tính đặc thù của đất nước; vừa bám sát đáp ứng những yêu cầu của thực tế cuộc sống đặt ra lại vừa đổi mới không tụt hậu với quốc tế trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Chính vì thế, hệ thống chính sách lao động – thương binh và xã hội những năm qua vừa mang tính đặc thù phát triển của đất nước, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, lại vừa cập nhật, tiếp cận với quốc tế trong quá trình hội nhập. Với 7 luật và pháp lệnh và hàng trăm văn bản khác trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đã và đang trình Quốc hội đến nay, có thể nói với sự tham mưu, đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội mà chị vừa là một Bộ trưởng, vừa là Đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã thiết kế cơ bản được một hệ thống chính sách an sinh, an toàn xã hội vững chắc, đảm bảo định hướng  “phát triển luôn đi đôi với công bằng xã hội”.

Quá trình tham gia góp ý xây dựng luật, thực hiện giám sát và tiếp xúc với cử tri ở cương vị Đại biểu Quốc hội đã bổ sung cho chị ở cương vị Bộ trưởng những phương pháp tiếp cận mới trong công tác nghiên cứu khoa học, hoạch định các chính sách lớn và trong cả công tác quản lý, điều hành tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Nhiều chương trình mục tiêu, nhiều quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn tác động đến đời sống và an sinh, công ăn việc làm, nghề nghiệp v.v… của hàng chục triệu người trong xã hội mà chị và tập thể lãnh đạo Bộ đề xuất đã ra đời. Trong đó có những đề tài khoa học quan trọng có tính ứng dụng thực tiễn cao như “Đổi mới và phân hóa giàu nghèo của Việt Nam; chiến lược việc làm”; “Phát triển thị trường lao động”; “Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và người có công”; “Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường dạy nghề đến năm 2010” v.v… Trong quản lý, chị mạnh dạn đổi mới nhiều cơ chế, xóa bỏ nhiều rào cản hành chính, cấp phép, cải cách mạnh các thủ tục trong lĩnh vực ngành. Là Đại biểu Quốc hội nữ, lại là Bộ trưởng nữ ý thức sâu sắc về sự bình đẳng giới và sự quan tâm “Phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ” đã và đang luôn được chị cụ thể hóa một cách thiết thực bằng việc quan tâm đào tạo, bổ nhiệm những chị em trẻ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp với năng lực, sở trường.

Vinh dự nhất đối với chị là đã được tham gia Quốc hội ở cả 3 thời kỳ: đó là Quốc hội giai đoạn đất nước có chiến tranh, Quốc hội giai đoạn hòa bình thống nhất đất nước và nhiệm kỳ hiện nay, Quốc hội của đổi mới, hội nhập. Chị tự hào vì ở giai đoạn nào, trong vai trò người Đại biểu Quốc hội, điều chị luôn tâm đắc và nỗ lực đó là làm tất cả những gì có lợi cho dân, cho nước, cho một Quốc hội vì phát triển và hạnh phúc của con người như ngày hôm nay.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU