ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

60 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
CỦA NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, từ tổ tiên đến con cháu ngày nay đã ghi nhận phụ nữ Việt Nam cùng nhân dân cả nước góp phần làm nên sự nghiệp quang vinh của nước nhà, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của dân tộc. Trên mọi lĩnh vực, phụ nữ đã khẳng định được vai trò to lớn của mình. Họ đã góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ thời kỳ dựng nước cho đến ngày nay.

Với gần 51% dân số, chiếm tỷ lệ hơn 50,6% lực lượng lao động, dù ở vị trí nào, phụ nữ cũng đều thể hiện rất rõ tài, đức, bản lĩnh trí tuệ của mình, kể cả ở các cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, trong những hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước các thời kỳ, ở đâu cũng có sự đóng góp tích cực của những phụ nữ ưu tú đại biểu của nhân dân. Mặc dù mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều mang một đặc thù riêng và gắn với những thử thách và trách nhiệm nặng nề hơn, song mỗi giai đoạn phát triển của Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận những bước trưởng thành của nữ đại biểu Quốc hội.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau sự kiện lịch sử vĩ đại ấy, Chủ tịch Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14/SL tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cử tri cả nước đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu một mốc son trong lịch sử dân tộc, khẳng định thể chế dân chủ của một quốc gia độc lập “của dân, do dân, vì dân” đầu tiên ở Đông Nam Á. Quốc hội hoạt đống suốt trong thời kỳ  kháng chiến từ năm 1946 kéo dài đến năm 1960. Trong số 333 đại biểu, đã có 10 đại biểu nữ. Mặc dù số lượng đại biểu nữ chưa nhiều (chiếm chỉ 3%), song tất cả các chị đều là những đảng viên ưu tú, là những người lãnh đạo chủ chốt của các địa phương từ Bắc tới Nam như: Bà Bùi Thị Diệm ( tức Lê Phương), Bà Lê Thị Xuyến, Bà Nguyễn Thị Thập, Bà Nguyễn Thị Thục Viên, Bà Chương Thị Mỹ v.v…

Buổi đầu của cách mạng non trẻ, Quốc hội làm việc trong điều kiện “thù trong giặc ngoài”, các lực lượng phản động chống phá cách mạng, Quốc hội vẫn triển khai các hoạt động với chức năng của cơ quan lập pháp, giám sát và ra quyết định của mình. Nhiều đạo luật lớn được Quốc hội thông qua vào thời kỳ này: Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời năm 1946, Luật lao động đầu tiên được Quốc hội thông qua (tháng 11/1946); Luật cải cách ruộng đất (tháng 12 năm 1953), Luật công đoàn, Luật hôn nhân gia đình… Trong số các Ủy viên đầu tiên của Ủy ban Thường trực Quốc hội đã có các bà: Lê Thị Xuyến, Nguyễn Thị Thục Viên. Đại biểu Nguyễn Thị Thục Viên là người đã có mặt trong những phái đoàn ngoại giao đầu tiên tham gia hoạt động hợp tác quốc tế (1951).

Sau chiến thắng  Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam, hòa bình trở lại trên một nửa đất nước. Trước những biến đổi chung của tình hình, theo đề nghị của Ủy ban Thường trực Quốc hội, ngày 23-01-1957, Ban nghiên cứu và sửa đổi Hiến pháp đã được bầu ra gồm 29 người do Hồ Chủ tịch làm Trưởng Ban, trong đó có 2 đại biểu nữ là bà Trương Thị Mỹ  và bà Nguyễn Thị Thập, đã đóng góp tiếng nói của nữ giới vào việc sửa đổi Hiến pháp và xây dựng một số văn bản pháp luật trong nhiệm kỳ này. Một trong những thành công đang ghi nhận là ngày 01 - 01 - 1960, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 01/SL công bố Hiến pháp mới (Quốc hội Khóa I đã sửa đổi), phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước đặt ra cho giai đoạn này.

Kế tục sự nghiệp của Quốc hội Khóa I, Quốc hội từ Khóa II đến Khóa V đã trải qua 16 năm hoạt động (Từ tháng 7 - 1960 đến tháng 6 - 1976). Đây là những năm tháng hoạt động đầy thử thách, quyết liệt trong bối cảnh nhân dân ta phải tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam. Đặc biệt từ năm 1965  trở đi cả nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dài ngày nhất, quyết liệt nhất, oanh liệt nhất và đã giành được tháng lợi to lớn mang tầm vóc lịch sử vĩ đại. Trong số những đại biểu nữ ưu tú của thời kỳ này,  không thể không nói về người con gái Tiền Giang - Bà Nguyễn Thị Thập, người phụ nữ đã từng giữ chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam suốt 30 năm (1950 - 1980); đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa VI, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các Khóa III, IV, V ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1955 đến 1980. Trong suốt quá trình công tác, bà đã góp phần xây dựng lên đội ngũ cán bộ nữ đầu tiên để bổ sung vào các vị trí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ghi  nhận những công lao to lớn của bà, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho bà Huân chương Sao vàng và danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, chúng ta còn có các bà Lê Thị Xuyến được bầu là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng và bà Nguyễn Thị Minh Nhã - được bầu là Ủy viên dự khuyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội nữ là bà Hà Thị Quế và bà Lê Chân Phương đều tham gia vào Ủy ban Dự án pháp luật. Nhiêu đại biểu nữ khác cũng là Ủy viên của các Ủy ban của Quốc hội như bà: bà Lê Thị Cầm là Ủy viên của Ủy ban Dân tộc, bà Nguyễn Thị Minh Nhã và Bà Ngô Thị Huệ là Ủy viên Ủy ban thống nhất.

Ở miền Nam, ngày 6 tháng 6 năm 1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã tổ chức họp lại trên cơ sở hợp nhất các đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng đại biểu các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam. Đại hội đã bầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, trong đó hai nữ chính trị gia là bà Nguyễn Thị Bình và bà Bùi Thì Mè đã được cử vào Chính phủ lâm thời, Bà Nguyễn Thị Bình giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ ngoại giao và bà Bùi Thì Mè là Thứ trưởng Bộ y tế, Xã hội và Thương binh.

Vào những năm đầu của  thập kỷ 70, sự lớn mạnh của Nhà nướcViệt Nam dân chủ cộng hòa cùng với những thắng lợi vang dội trong sự nghiệp chống Mỹ đã tạo điều kiện cho quan hệ đối ngoại của nước ta ngày càng mở rộng. Trong vòng 5 năm tà 1970 đến 1975 đã có tới trên 40 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Với thời cơ thuận lợi đó, Chính phủ Cách mạng Lân thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam vừa phối hợp trên mặt trận quân sự, vừa đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao. Đặc biệt với sự đóng góp to lớn về ngoại giao tài tình của bà Nguyễn Thị Bình, chúng ta đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc và đàm phán ngoại giao, đặc biệt là cuộc đàm phán lịch sử tại Hội nghị Pa ri, góp phần tạo nên thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bên cạnh đó là bác sỹ Dương Quỳnh Hoa, Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nan cũng góp phần không nhỏ vào thành công  trong quan hệ ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975.

Trên mặt trận quân sự, chúng ta có một vị tướng tài ba: Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định, người đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước ở Bến Tre, từ những năm 1936, bà Định đã tham gia hoạt động và lãnh đạo cách mạng miền Nam, năm 1974 bà được phong quân hàm Thiếu tướng. Sau năm 1976, từ một nữ tướng chỉ huy kiên cường và mưu lược, bà đã trở thành nhà lãnh đạo lớn của nhân dân. Năm 1980, bà được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 - 1992, và là nữ đại biểu Quốc hội nhiều khóa: VI, VII, VIII. Với công lao đóng góp và tấm gương mẫu mực của mình, bà được Đảng và Nhà nước cũng như nhiều nguyên thủ quốc gia trao tặng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa V có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất của Việt Nam, với 137 đại biểu (chiếm 32,3%).Tại nhiệm kỳ này bà Nguyễn Thị Thập lại tiếp tục được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bà Lê Thị Xuyến được bầu là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Quốc hội là bà Nguyễn Thị Lựu và Ủy viên Ủy ban đối ngoại là luật sư Bùi Thị Cẩm.

Kế thừa thành quả và kinh nghiệm lịch sử của ba thập kỷ hoạt động đã qua (1946 - 1976), Quốc hội Khóa VI bầu ngày 25-4-1976, là Quốc hội của thống nhất đất nước và Quốc hội các khóa tiếp theo đã nắm vững và giương cao ngọn cờ về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội vàng được nâng cao, nhất là từ khi Đảng ta đề ra đường lối đổi mới.

Hiến pháp Việt Nam đã quy định sự bình đẳng của nam và nữ trong lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chính trị. Hàng loạt các chủ trương, chính sách của Đảng được ban hành nhằm thực hiện giải phóng phụ nữ và mở rộng cơ hội cho phụ nữ phát triển: Chỉ thị 44/CT-TW ngày 7/6/1984 của Ban Bí thư; Nghị quyết 04/NQ-TW của Bộ chính trị về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị 37/CT-TW ngày 16/5/1994 của Ban bí thư Trung ương về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; tiếp theo là Nghị quyết Đại hộc IX của Đảng cộng sản Việt Nam. Nội dung của các văn kiện trên đều nhất quán thể hiện một quan điểm: Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, bồi dưỡng đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, có cơ chế chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành…Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 19/2002/QD-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2002 phê duyệt Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phải đạt tỷ lệ lãnh đạo nữ là 50% trong các cơ quan Nhà nước và tổ chức các cấp.

Tuy ở một số nhiệm kỳ (Khóa VII, Khóa VIII) tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ có giảm đôi chút. Song, ở các nhiệm kỳ tiếp theo, số lượng nữ trong Quốc hội lại tăng dần: Nhiệm kỳ X (1997-2002) tỷ lệ nữ chiếm 26,2%, tăng 8% so với Quốc hội khóa trước, đưa tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nước ta đứng thứ 9/135 nước trong liên minh Quốc hội và đứng thứ hai trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương; nhiệm lỳ XI (2002 - 2007) tỷ lệ nữ tăng 1,1% so với nhiệm kỳ X, đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Châu Á và đứng thứ hai trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau Niu-di-lân. Việt Nam là một trong 16 quốc gia có nữ làm Phó Chủ tịch nước trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới.

Việc tăng cường tỷ lệ nữ tham gia vào các cương vị lãnh đạo trong các cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội để thực  hiện quyền lập pháp, giám sát và ra quyết định là một đòi hỏi khách quan của sự phát triển xã hội. Vai trò của phụ nữ quan trọng không phải do ý  muốn chủ quan của chúng ta mà là do những đòi hỏi tất yếu kinh tế - xã hội của thời đại, do thực tế phát triển của lực lượng lao động nữ trong xã hội hình thành. Và khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong cơ chế thị trường là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Việc nâng cao năng lực của phụ nữ trong cơ quan quyền lực Nhà nước luôn gắn liền với sự phát triển và được xem xét dưới góc độ của giới cùng với việc tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày cang cao hơn trong lãnh đạo và quản lý.

Bước vào thế kỷ mới, nhân loại đang và đối đầu với hàng loạt những thách thưc mới. Theo dự báo của các nhà khoa học thì đến năm 2010, dân số thế giới sẽ gần 10 tỷ, năm 2040 sẽ là 13,4 tỷ, một viễn cảnh mà cả thế giới quan tâm. Do vậy, tăng cường vai trò của nữ đại biểu trong thời kỳ mới là xu thế phát triển tất yếu khách quan nhằm phát huy nội lực, tiềm năng sáng tạo và tận tụy trong công việc, đông thời không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt của đại biểu nữ nhằm đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

 

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU