ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

TRÁCH NHIỆM LÀ VÌ MANG LẠI LỢI ÍCH NHIỀU NHẤT CHO NHÂN DÂN

Ước mơ trở thành cô giáo thì lại được hướng đi học trung cấp kế toán. Không thích tuyên huấn thì được phân công làm bí thư đoàn Công ty. Nghĩ mình chỉ làm “cán bộ cơ sở” thì lại “bị” điều về Ban tuyên huấn thành đoàn. Bước đường công tác của chị cứ buộc chị phải chuyển mình đi vào những lĩnh vực rất mới mẻ. Đang làm Bí thư Quận ủy lại trúng cử Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khi 46 tuổi, được chuyển lên Hà Nội làm công tác kiểm tra. Đến Đại hội Đảng khóa VIII, chị là nữ Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất đến nay, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa VIII, đại biểu Quốc hội khóa X.

Tuổi thơ của chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ gắn liền với những ký ức về một thời cả gia đình bí mật theo cha đi kháng chiến ở Việt Bắc, gắn liền với hình ảnh người mẹ tảo tần, chịu thương, chịu khó một mình nuôi dạy các con giữa vùng chiến khu gian khổ. Chị cũng không bao giờ quên được những câu hát, lời ru của bà ngoại, người luôn dạy bảo con cháu mình bằng những câu ca dao, tục ngữ, những truyện thơ nổi tiếng về đạo lý làm người rất dễ nhớ đã ăn sâu vào tiềm thức chị đến tận bây giờ.

Thời kỳ làm công tác đoàn đã rèn rũa, tôi luyện và giúp ích cho chị rất nhiều trong các vị trí công tác sau này. Đấy là sự sôi nổi, không ngại khó của thanh niên. Vì thế, khi được phân công đảm nhiệm các cương vị khác nhau đã giúp chị nhanh chóng hòa nhập, nắm bắt công việc mới không mấy khó khăn. Trong 13 năm làm công tác kiểm tra có lẽ là thời kỳ chị được thử thách nhiều nhất, từ sự vững vàng trong lập trường, quan điểm, đường lối, tác phong xử lý các vấn đề đặt ra. Đặc biệt từ khi chị giữ cương vị Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, trách nhiệm lại càng nặng nề hơn với không ít áp lực. Chị cho rằng làm một cán bộ lãnh đạo phải luôn kiểm soát làm chủ được tình hình, phải lường trước được các tình huống kể cả tình huống xấu nhất. Có như vậy mới xử lý vấn đề một cách chính xác, quyết đoán, kịp thời. Chị nói rằng mình không chờ đợi để được giao các chức danh lãnh đạo, do vậy khi nó đến, chị chỉ cảm nhận thấy trọng trách, áp lực công việc nhiều hơn chứ không nghĩ tới quyền lực. Hết nhiệm kỳ khóa VII, chị báo cáo xin Trung ương về nghỉ hưu vì thấy mình cũng đã đủ tuổi, nhưng được Trung ương tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị khóa VIII và lại đảm đương chức vụ nặng nề hơn: Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa VIII.

Bên cạnh vai trò là người đứng đầu ngành kiểm tra của Đảng, chị còn phải thực hiện tốt vai trò đại biểu Quốc hội. Ở đó, chị có điều kiện tiếp cận với các cử tri, tìm hiểu sâu sát nhiều vấn đề mà nhân dân quan tâm. Quá trình đi tiếp xúc cử tri được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của cử tri. Qua đó, nhân dân nêu lên khá nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng pháp luật, chính sách, xây dựng Đảng, nhất là trong việc đánh giá, xem xét, xử lý cán bộ Đảng viên.

Chị tâm sự: các hoạt động “nghị trường” sôi động của Quốc hội với nhiều ý kiến phong phú, đa dạng sát với thực tế đời sống xã hội là những căn cứ cho việc hình thành luật pháp và những quyết sách lớn của Quốc hội và Nhà nước. Đó là những “kênh thông tin” quan trọng giúp người làm công tác kiểm tra đánh giá, nhìn nhận vấn đề được khách quan, thấu đáo hơn. Tuy vậy, chị vẫn còn rất băn khoăn, day dứt bởi nhiều ý kiến đúng đắn, nhiều nguyện vọng chính đáng của dân được phản ánh, đóng góp qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng kết quả giải quyết còn rất hạn chế, để cho dân còn nhiều bức xúc, khiếu nại kéo dài. Chị cũng mong muốn được tiếp xúc trực tiếp với nhiều đối tượng cử tri, nhất là phụ nữ, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, không chỉ với các “đại cử tri” như vẫn thường gặp các cuộc tiếp xúc lâu nay, nhưng chưa làm được.

Chị luôn tâm niệm và thầm biết ơn tấm lòng của gia đình, bạn bè, đồng chí đã rất thông cảm, động viên, giúp đỡ chị hoàn thành tốt công việc. Không có những điều tốt đẹp mà Đảng và mọi người dành cho, chị khó lòng có được như ngày hôm nay.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU