ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

Y VÊNG - NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÂN TỘC TÂY NGUYÊN

Kon Tum - vùng cực Bắc Tây Nguyên vốn giàu truyền thống cách mạng, nơi đây đã sản sinh nuôi dưỡng những người con suốt đời một lòng theo Đảng, theo cách mạng, cống hiến không mệt mỏi sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của quê hương, đất nước. Trong số những người con tiểu biểu của các dân tộc Tây Nguyên có nữ đại biểu Quốc hội khóa X - đó là chị Y Vêng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Kon Tum. Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, chị được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Để trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một điều tất yếu đối với bất kỳ ai cũng phải đủ sức, đủ tài và có sự tín nhiệm cao. Chị Y Vêng là một người như thế.

Y Vêng sinh năm 1950 trong một cộng đồng dân tộc Sê Đăng tại làng Văn Tó xã Đăk Uy huyện Đăk Hà, cửa ngõ phía Bắc tỉnh Kon Tum. Quê hương của chị là H 16 - mật danh của huyện trong kháng chiến, mảnh đất có truyền thống cách mạng kiên cường làm nên một xã Đăk Uy anh hùng; từ một vùng hoang hóa, hôm nay đã xây dựng nên các nông trường cà phê, nông trường lúa nước tạo thành một vùng đất hứa, với những cánh rừng nối tiếp nhau hùng vĩ.

Chị sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của chị là A Tranh (tức A Niếc), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lớn lên từ chiếc nôi cách mạng, năm 18 tuổi, chị đứng vào hàng ngũ của Đảng và nhanh chóng trở thành chiến sỹ cách mạng ở Tây Nguyên.

Từ năm 1970 - 1975, khi được giao nhiệm vụ Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Đăk Uy, chị đã cùng tập thể chi bộ kiên trì vận động bà con vừa chiến đấu vừa sản xuất, bám làng làm rẫy để có lúa, mỳ, bắp ủng hộ cho cách mạng. Chị đã bám đất, bám dân xây dựng cơ sở, xây dựng đội du kích trong vùng đồng bào dân tộc Sê Đăng ngày càng vững chắc, củng cố phong trào cách mạng ở địa phương. Mặc dù bị địch càn quét gắt gao, lùng sục, bắt bớ những người chúng cho là “cộng sản nằm vùng” nhưng với ý chí cách mạng kiên cường chị đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng vào đội du kích, góp sức củng cố, xây dựng phong trào ở địa phương ngày càng vững mạnh.

Hôm nay dưới mái nhà rông, bên chén rượu cần chị say sưa kể lại những năm tháng lăn lộn, gắn bó với đồng bào Tây Nguyên. Sau chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vào mùa khô năm 1972 đẩy quân địch co cụm về thị xã Kon Tum để cố thủ, Đăk Uy trở thành một vùng giáp ranh giữa ta và địch. Sau Hiệp định Pari tháng 01/1973 quân đội Sài Gòn liên tiếp vi phạm Hiệp định, lấn chiếm vùng giải phóng do ta kiểm soát. Địa bàn Đăk Uy của chị phụ trách nằm trong mục tiêu lấn chiếm của chúng và trở thành tọa độ lửa của những trận pháo kích từ thị xã Kon Tum bắn ra và những trận B52 rải thảm hủy diệt môi trường. Quê hương của chị - mảnh đất này chính là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, là nơi hứng chịu bom đạn và càn quét tàn bạo của Mỹ - ngụy. Nhưng núi rừng bạt ngàn, địa hình hiểm trở ở quê chị đã che chở cho cách mạng, cho nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum - Tây Nguyên làm nên thắng lợi. Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ngụy từng là nơi chiến trường đỏ lửa… là địa bàn ghi dấu những chiến công hiển hách, vang dội của quân dân địa phương và cả nước. Bước trưởng thành của Y Vêng luôn hòa quyện với bước phát triển của phong trào cách mạng địa phương toàn miền và cả nước.

Trong gần 10 năm làm cán bộ chủ chốt của xã và huyện, chị đã mang hết sức lực và tâm huyết góp phần xây dựng xã Đăk Uy và huyện H 16 (nay là huyện Đăk Hà) vững mạnh toàn diện, đều được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và bản thân chị được tặng thưởng hai Huân chương, hai Huy chương về thành tích tham gia kháng chiến.

Cũng chính mảnh đất này, hôm nay đã trở thành quê hương của hơn 50 ngàn dân cư các dân tộc anh em trên mọi miền của Tổ quốc, về đây định cư, chung sức, chung lòng đoàn kết xây dựng quê hương của chị. Họ đã cùng chị biến vùng đất đầy vết tích chiến tranh năm xưa thành đập Mùa Xuân - Đăk Uy, thành những cánh đồng lúa xanh tươi, thành những rừng cà phê, cao su bạt ngàn tươi tốt. Kon Tum ngày nay đã là vùng ngã ba Đông Nam Á, nối liền với khu công nghiệp Liên Chiểu bằng quốc lộ 14, khu công nghiệp Dung Quất bằng Quốc lộ 24; các tỉnh Duyên Hải miền Trung bằng quốc lộ 19; quốc lộ 14, 24 và chỉ cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi 70 km về phía Nam trên tuyến đường xuyên á. Đặc biệt hơn là quê hương của chị nằm trên lưu vực sông KRôngPô, nơi đang xây dựng công trình thủy điện Plei Krông, tạo nguồn điện năng dồi dào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà, đồng thời giữ vị trí quan trọng trong việc điều phối nguồn thủy năng đối với công trình thủy điện Ya ly. Từ sau năm 1975 khi quê hương, đất nước được hoàn toàn giải phóng, chị được Đảng cử đi học bổ túc văn hóa và chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, Y Vêng trở về quê hương làm Phó ban tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, Phó ban thường trực Ban dân vận tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum và được bầu là Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Với cương vị và trọng trách trong phong trào phụ nữ, chị luôn phát huy phẩm chất anh hùng cách mạng, hoạt động năng nổ tích cực, lập nhiều thành tích trong công tác thể hiện vai trò nòng cốt của một cán bộ nữ, con chim đầu đàn trong phong trào phụ nữ Kon Tum - Tây Nguyên.

Từ năm 1986 đến năm 1999, với nhiều cương vị khác nhau được Đảng tin, dân bầu, bất kỳ ở cương vị nào, dù cơ sở hay cấp huyện, tỉnh, Y Vêng vẫn luôn là một Đảng viên cộng sản trung kiên, một cán bộ nữ tiêu biểu và là người con ưu tú của dân tộc Sê Đăng ở Kon Tum.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI chị được bầu làm Phó Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Chị đã có những cuộc tiếp xúc thường xuyên và cởi mở với các nhà báo, với doanh nghiệp, với đại diện các tầng lớp dân cư, các nhóm xã hội khác nhau và với các đồng nghiệp, cộng sự của mình. Với tính điềm đạm, bình tĩnh và tự tin khi giải quyết công việc, mọi người quen dần với gương mặt của nữ Chủ tịch mới, một gương mặt hiền lành song rất kiên định.

Đến tháng 10/2004, chị được bầu giữ chức Bí thư tỉnh ủy Kon Tum. Với trọng trách mà Đảng giao phó, chị Y Vêng đang cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng. Trên cương vị này, chị vẫn giữ được tính khiêm nhường, giản dị và chân thành. Mọi người đều nhận thấy ở chị sự dung hợp trong lẽ sống, niềm tin và tình đồng chí thân thương.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU