ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÀ HẠNH PHÚC LỚN NHẤT

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa đã tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, làm cộng tác viên cao cấp của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Chị đã mở ra hướng hợp tác với các nước trên thế giới bằng những công trình mang tầm vóc quốc tế. Chị là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X, XI.

Khi nói về những công trình nghiên cứu khoa học, chị say sưa một cách đáng ngạc nhiên. Là một sinh viên vật lý xuất sắc của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ), chị tốt nghiệp bằng ưu về làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Chị bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (tháng 11-1978) và luận án Tiến sĩ (tháng 11-1985). Những người làm công tác khoa học ở trong và ngoài nước hầu hết đều biết đến những thành tựu của chị. Hiện chị đang thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm bảo đảm khai thác nguồn nước dưới đất tại Việt Nam”. Với thành công của đề tài nghiên cứu lần này (đang tiến triển tốt với sự đánh giá cao của các nhà khoa học nước ngoài) về bổ sung nhân tạo nguồn nước dưới đất tại tỉnh Bình Thuận - địa điểm được chọn nghiên cứu, chị có thể chuyển giao và nhân rộng công nghệ này cho cả vùng cát ven biển miền Trung thông qua các Liên đoàn địa chất thủy văn, địa chất công trình thuộc Cục Địa chất Việt Nam.

Chị tâm sự: “Quãng thời gian 13 năm học và làm việc ở nước ngoài đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Tôi được gặp, làm việc với những nhà khoa học thật sự tài năng, lỗi lạc. Chính ở họ, tôi đã học được nhiều điều”. Chị từng là thành viên của đoàn thám hiểm Bắc Cực do Nga và Pháp phối hợp tổ chức năm 1967 để quan sát cực quang; tham gia phân tích từ tính của đất lấy từ mặt trăng do tàu APOLO 11 của Mỹ đem về; làm cộng tác viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Chị đã mở ra hướng hợp tác với nhiều nước trên thế giới bằng những công trình mang tính quốc tế. Đến nay, chị đã có hơn 70 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, quốc tế và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Là một nữ đại biểu Quốc hội, chị vẫn dành thời gian để nghiên cứu và phát biểu về vấn đề lao động nữ. Tâm sự về vai trò của người phụ nữ trong việc tham gia công tác xã hội, chị cho rằng đất nước còn kém phát triển, lao động của phụ nữ cũng cần thiết không kém nam giới và dường như ngày càng có nhiều người phụ nữ tham gia vào những công việc quan trọng của đất nước. Người phụ nữ cần phải có quyết tâm, sự tự tin và không được quên đi thiên chức là người “giữ lửa” trong gia đình mình. Bài phát biểu về vấn đề hộ khẩu của chị tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI đã được các đại biểu Quốc hội và cử tri tán đồng và đang được các cơ quan chức năng triển khai cải cách. Những ý kiến sắc sảo của chị về việc xác định công trình thủy điện Sơn La vẫn đang còn được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến. Hàng loạt bài viết của chị về vấn đề hội nhập của Việt Nam với thế giới, về trách nhiệm của mọi người dân trong việc tiếp thị hình ảnh Việt Nam với quốc tế hay về vấn đề đối thoại - một phương thức ngoại giao nghị viện đã có những kiến giải sâu sắc. Có lẽ tác phong nghiên cứu trong khoa học đã được chị áp dụng trong khi thực hiện các hoạt động của một nữ đại biểu Quốc hội.

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU