ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

CHUYỆN VỀ NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CỦA ĐẮC LẮC

Là người con Tây Nguyên, năm 1979 chị Mai Hoa Niêk Đăm tốt nghiệp đại học sư phạm I ở Hà Nội, trở thành cô giáo dạy môn Hóa, được phân công về dạy tại Trường Cao đẳng sư phạm ĐăkLăk. 18 năm gắn bó với trường, đã có không biết bao nhiêu khuôn mặt thân yêu của các em học sinh là đồng bào dân tộc Êđê, M’Nông, Gia Rai…. trưởng thành dưới mái trường này mang theo các “con chữ” về tận các buôn làng xa xôi để dạy học. Từ giáo viên môn Hóa, rồi Phó Chủ nhiệm Khoa hóa - sinh - địa, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, Trưởng ban nữ công Trường Cao đẳng Sư phạm ĐăkLăk, ở vị trí công tác nào chị cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1997, chị được điều lên làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Năm 2001, là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội. Là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa X và XI, chị tâm sự: điều ước mong và cũng là những trăn trở lâu nay của chị là làm sao giáo dục của ĐăkLăk phải phát triển hơn nữa, ĐăkLăk đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiếp tục triển khai phổ cập trung học cơ sở. Để hoàn thành chương trình đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành mà trước hết phải là ngành giáo dục. Thực trạng của ngành học mầm non của ĐăkLăk cũng còn nhiều chuyện phải bàn; đến nay vẫn còn có 24/170 xã chưa có trường Mẫu giáo; có 170/170 xã chưa có nhà trẻ; điều kiện cơ sở vật chất của trường lớp còn quá nghèo nàn, lạc hậu, không đáp ứng với yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ…. Rồi việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số; việc đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, các lớp bán trú dân nuôi, việc nâng cao chất lượng dạy và học; việc đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói chung, cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng…. Là người gắn bó lâu năm và trưởng thành từ ngành giáo dục, giờ đây với cương vị là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội, chị luôn nỗ lực, cố gắng hết mình cùng tập thể đưa ĐăkLăk tiến nhanh, vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành điểm sáng vùng Tây Nguyên của Tổ quốc.

Chị là hiện thân của người phụ nữ dân tộc ÊĐê có tấm lòng nhân hậu, hết mực với gia đình, với người thân nhưng trong công việc hết sức nghiêm túc, khoa học.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU