ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI ĐI ĐÒ DỌC

“Đò dọc” - người ta thường nói với nhau như vậy về những người làm công tác thanh niên, công tác phong trào rồi trưởng thành từ lĩnh vực này. Rời xa dòng sông của mình chỉ bởi vì lý do tuổi tác, chỉ vì nghĩ rằng mình ở lại sẽ không có lợi cho phong trào Đoàn nên chị dứt áo ra đi, nhưng trong lòng vẫn đau đáu về nghề nghiệp cũ. Đó là tâm sự của chị Trương Thị Mai, người từng gắn bó với phong trào thanh niên gần 30 năm liền.

Bước khởi nghiệp không phải là cán bộ phong trào mà là từ nghề giáo, làm kiêm công tác đoàn trong trường, rồi bị thuyết phục sang làm chuyên trách công tác đoàn. Lúc đầu chị muốn công tác phong trào chỉ là tay trái thôi, nhưng càng gắn bó với công tác đoàn càng thấy mình tâm huyết hơn. Trong những năm làm công tác phong trào, tổ chức các hoạt động cho thanh niên, thu hút thanh niên đến với công tác đoàn thể, chất thanh niên dường như đã ngấm vào máu và tính thanh niên vẫn phát tiết qua tính cách, qua những cuộc chuyện trò mà người đối thoại rất dễ nhận ra….

Bây giờ, khi chuyển sang làm chuyên trách công việc của một đại biểu Quốc hội chị cũng không khỏi những băn khoăn. Đành rằng, công việc thì vẫn còn phần nào đó gắn bó với công tác thanh niên, nhưng tính chất công việc lại khác, có đặc thù riêng. Tuy vậy, đây cũng không phải là công việc quá mới mẻ, bởi chị đã là đại biểu Quốc hội từ khóa X và tiếp nối khóa XI, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Khi đã quen với công việc chị cảm nhận thấy môi trường Quốc hội đã làm cho chị trưởng thành hơn rất nhiều. Chị tâm sự: Ai cũng vậy thôi, thật khó để có thể am hiểu sâu mọi lĩnh vực, nhưng đã là đại biểu Quốc hội thì đòi hỏi phải cố gắng tích lũy kinh nghiệm, kiến thức tổng hợp và toàn diện. Chị băn khoăn trước những mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi cử tri, trăn trở khi thấy những mong muốn của cử tri về những vấn đề bức xúc của xã hội lại chưa thể giải quyết triệt để trong một sớm, một chiều. Chị cũng đã đi tìm những căn nguyên của những kiến nghị của đại biểu tới Chính phủ và các bộ, ngành qua quá trình giám sát tại sao chưa được thực hiện triệt để, chưa được như mong muốn của các đại biểu. Nhưng qua quá trình hoạt động chị đã tự rút ra cho mình những thỏa hiệp riêng rằng đối với những vấn đề ấy, không thể suy nghĩ cực đoan được. Phải tập để hiểu, những kiến nghị nào cần làm ngay thì phải tranh đấu để kiến nghị đó được thực hiện và cũng có những cái phải chấp nhận thời gian để tranh đấu bền bỉ…. và chị đã có cái nhìn khách quan hơn khi cho rằng nhất thiết phải xem xét từ hai phía từ chất lượng các kiến nghị và khâu thực hiện các kiến nghị đó và phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên trên tinh thần hợp tác…

Mỗi khi đi tiếp xúc cử tri, chị kể, trước những bức xúc của cử tri như về chống tham nhũng chẳng hạn, đại biểu rất chia sẻ, đồng cảm với họ, nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm của mình trong đó vì thực trạng cũng chưa thay đổi được là bao. Cũng có nhiều cử tri theo dõi kỹ các hoạt động của Quốc hội, nghe thông tin, biết được hoạt động của đại biểu, biết được từng đại biểu hay phát biểu ý kiến, biết được quan điểm của đại biểu về từng vấn đề cụ thể…. Chị bảo, đó là niềm vui, là sự động viên tinh thần rất lớn dành cho các đại biểu.

Bây giờ, khi không còn tham gia trực tiếp vào hoạt động phong trào của thanh niên, nhưng những vấn đề của thanh niên vẫn là mối quan tâm của chị. Trên diễn đàn Quốc hội, chị không thể trình bày tất cả những tâm tư nguyện vọng của thanh niên, nhưng chị lồng ghép những vấn đề của thanh niên qua những ý kiến đóng góp xây dựng luật, qua việc xây dựng chính sách hay qua các phiên chất vấn… với mong muốn rằng làm được chút gì cho thanh niên, cho cử tri là mình phải gắng sức….

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU