ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA NÚI RỪNG

Quá trình hơn 30 năm công tác của chị - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình, đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Từ một cô giáp cấp II ở xã vùng cao đến khi được bầu là Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hòa Bình, rồi chuyển sang làm Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình… Chị đều gắn bó với vùng đồng bào dân tộc. Trước khi được giao trọng trách là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Khóa XI, chị đã từng là đại biểu Quốc hội khóa IX và 3 năm liền giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình - một tỉnh với phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống. Dường như đối với chị, công tác dân tộc, miền núi đã trở thành duyên nghiệp. Đây là cái duyên nghiệp không phải ai cũng sẵn sàng gánh vác, nhất là đối với phụ nữ. Bởi vì, địa hình các vùng này thường rất hiểm trở, xa xôi, có nhiều nơi phải đi bộ vài ngày mới tới nơi đồng bào cư trú… Giải đáp cho thắc mắc này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình cười giản dị: tôi sinh ra và lớn lên ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân cũng là người dân tộc (dân tộc Mường). Nếu Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó mà mình sợ khó, sợ gian khổ thì không biết ai sẽ nhận.

Trong quá trình công tác, phải đến 5,6 lần thuyên chuyển công việc và khi nhận bất cứ một công việc gì chị chỉ tâm niệm một điều, phải quyết tâm hoàn thành tốt. Mặc dù, có thể cho lựa chọn thì chưa chắc chị đã lựa chọn công việc ấy. Bước chuyển tiếp từ cơ quan dân cử địa phương lên Trung ương của chị là một bước ngoặt lớn, chuyển từ sông ra biển, cũng là một quá trình đấu tranh với chính mình. Và, cuối cùng thì chị quyết định nhận lời bởi vì Hội đồng Dân tộc cần mình nên mới đặt vấn đề. Mặt khác, khi tổ chức đã định giao bất cứ công việc gì cho ai thì có nghĩa là họ tin tưởng là người đó có thể làm được… Và như vậy thì không có lý do gì để từ chối cả. Đây cũng là cơ hội để mở rộng tầm hiểu biết, đồng thời không chỉ làm những việc có ích cho đồng bào của vùng dân tộc mình mà còn có thể giúp đỡ cho các vùng dân tộc khó khăn khác.

Hiện nay, chị đang theo học lớp Dân tộc Công giáo tại Khoa lịch sử, Trường Đại học khoa học, xã hội và nhân văn, Hà Nội. Công việc của một Phó Chủ tịch đã chiếm phần lớn thời gian nhưng chị vẫn dành thời gian để nghe giảng về những kiến thức lý luận mà đôi khi đã có trong thực tế.

Chị cho rằng, dù là một người dân bình thường thì học hành cũng không bao giờ thừa. Về kiến thức thực tế, có thể thu lượm được hơn người khác, nhưng còn nhiều vấn đề lý luận mà mình chưa biết đến thì phải tiếp tục đọc, tiếp tục học…

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU