ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA DÂN VỚI CẢ TẤM LÒNG

10 giờ sáng; trong phòng làm việc, với cặp hồ sơ tập hợp thông tin nóng của cử tri, chị Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Cái may mắn của tôi là được nhiều dịp thuận tiện để nghe tiếng nói của dân, nghe từ các cuộc tiếp dân, tiếp xúc cử tri với tư cách là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể các cuộc tiếp xúc với tầm mức khác nhau, cấp kiến nghị khác nhau, nhưng cùng thể hiện tâm tư tình cảm, nỗi bức xúc của người dân”. Thời đại bùng nổ thông tin, không thể làm việc và phát triển nếu không có thông tin và càng không thể là đại biểu của dân mà lại thiếu thông tin từ cử tri.

Hẳn nhiên, sự “may mắn được nhiều dịp nghe tiếng nói của dân” này - với chị Phạm Phương Thảo - còn phải kể đến một thời điểm lùi sâu trong quá khứ. Bắt đầu từ năm 1963 (11 tuổi) Thảo được các chú, các bác cùng hoạt động cách mạng với cha mình gửi theo học trường phổ thông trong vùng căn cứ cách mạng. Năm 1968, tham gia hoạt động thanh niên ở tỉnh đoàn Sóc Trăng. Năm 1971, 1972 chị làm Bí thư thị đoàn Bạc Liêu, gây dựng cơ sở và phong trào thanh niên trong vùng địch. Tất cả mọi việc, mọi điều từ phương thức hoạt động bí mật, hợp pháp, bán hợp pháp đến tập cấy hái, chèo xuồng đều được dân chỉ bảo, đùm bọc và che chở, “đó là những năm tháng được sống trong sự ân tình, thấm đẫm một cuộc sống cần cù, chất phác của người dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ”.

Sau này, khi miền Nam được giải phóng, có người trí thức sống trong chế độ cũ trở thành cán bộ đã ngạc nhiên, đặt câu hỏi “Chị được dạy dỗ kỹ quá. Nhờ đâu vậy”. Không coi đây là lời khen tặng, mà là dịp để tri ân, nhớ về một quá khứ sống động, chị Thảo trả lời: “Đó là nhờ được tham gia cách mạng sớm, nhờ may mắn được nhân dân lao động dạy dỗ ngay từ tấm bé”. Lại cũng có người từng hỏi chị có bí quyết gì trong công tác, chị Thảo cũng thật lòng: Không người làm chính trị nào có thể tự quyết định sự thăng tiến của bản thân mình, (nếu không nói sự quyết định ấy thuộc về … tổ chức). Vì thế, chị chẳng có bí quyết gì. Tất cả là ở sự chân thành, giao việc gì cũng cố gắng làm tốt. Làm tốt và không thỏa mãn, không vừa lòng, để lúc nào cũng phải với tới, vươn lên, tìm tòi sáng tạo…. Không có bí quyết, nhưng điều tâm đắc thì chị Phạm Phương Thảo đã nghiệm: phải nghe tiếng nói dân với cả tấm lòng. Có như thế mới cảm nhận hết được những điều dân nói. Có như thế thì chẳng cần đâu xa, nửa giờ đi chợ mua đồ ăn nấu cơm cho chồng con, hai mươi phút chạy bộ thể dục buổi sáng là có thể được nghe dân nói cho biết bao nhiêu điều sâu lắng, chân tình….

Và rồi cũng phải kể về một quá trình dài kế tiếp “được nghe tiếng nói của dân” là những năm đầu đất nước được thống nhất: từ năm 1983-1987, làm Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Bí thư Trung ương Đoàn (1987-1994), gắn với hoạt động quần chúng, bao gồm những người trẻ tuổi, sôi nổi, mang trong mình những suy nghĩ tình cảm tiên tiến, hướng thiện. Những con người khao khát được chia sẻ ước mơ vươn lên, sẵn sàng lao vào khó khăn, đương đầu với thử thách, bằng hành động cách mạng để tìm và trả lời những câu hỏi về cuộc sống lý tưởng cao đẹp. Đây cũng là thời kỳ chị Phạm Phương Thảo trở thành đại biểu Quốc hội khóa IX, mang nhịp sống trẻ với ý chí vươn lên, góp tiếng nói của lớp người khát khao sống đẹp, sống có ích vào diễn đàn lập pháp của Quốc hội… “Có thể nói đó là một thời kỳ vô cùng quý giá. Chính nó đã tạo cho cuộc đời sự tư duy, tình cảm phong phú, để đến tận bây giờ tuy không còn tuổi thanh niên, nhưng vẫn nhận được từ nhịp sống sự thôi thúc vươn lên”, chị Thảo nói.

Cũng tại khóa Quốc hội này, Phạm Phương Thảo đã học được từ các đại biểu - những nhà quản lý, điều hành, nhà khoa học, nhà nghiên cứu - kiến thức phong phú, tạo cho chị những kinh nghiệm quý báu khi trở lại Thành phố Hồ Chí Minh với cương vị Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa thành ủy và Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố.

Bây giờ, chị Phạm Phương Thảo cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ: Thu nhận, xử lý thông tin của dân góp tiếng nói cho hoạt động lập pháp tại Quốc hội và thông tin cho việc hoạch định các chính sách đời sống dân sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng từ hai nhiệm vụ này, vấn đề được coi trọng là thực hiện tiến trình dân chủ trong Hội đồng nhân dân. Tiến trình này, cũng được thúc đẩy, vận dụng từ sự tiến bộ của hoạt động Quốc hội. Cùng sự kế thừa tiến bộ của các khóa Hội đồng nhân dân thành phố, giờ đây dân chủ trong hoạt động Hội đồng nhân dân là ngày càng tạo điều kiện để người dân được nói, dám nói nhiều hơn, là thông qua hoạt động của đại biểu thể hiện sự coi trọng quyền giám sát của người dân, giúp cho nội dung chất vấn (và trả lời chất vấn) tại kỳ họp đã đi dần vào thực chất, thể hiện trách nhiệm của đại biểu và người làm công tác quản lý. Nhưng dường như vẫn chưa đủ. Theo chị Phạm Phương Thảo, mặc dù hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã có những tiến bộ, song việc xử lý sau giám sát để khắc phục những yếu kém vẫn còn chậm trễ, chưa bắt kịp với mong muốn đúng đắn của người dân. Cũng vì vậy, để thúc đẩy tiến trình dân chủ có hiệu quả cần có những chính sách đồng bộ. Đề cập đến vấn đề này, chị Thảo cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hóa, là nơi giao lưu quốc tế, khu vực; thể hiện bề dày và đặc trưng đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, là mảnh đất hội tụ nhân tài của mọi miền đất nước. Vị trí, vai trò của thành phố như vậy đòi hỏi phải được tạo dựng một diện mạo, tầm vóc mới, khơi dậy tiềm năng thông qua việc phát huy truyền thống gắn với đổi mới, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chưa khi nào nỗi khao khát “đi trước về đích trước” lại thôi thúc Đảng bộ, nhân dân thành phố như lúc này. Đòi hỏi của thời đại và nỗi khao khát đó đang đặt ra cho Quốc hội xây dựng sớm một luật (hoặc pháp lệnh) riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh. Và với nhiệm vụ mới này, chị Phạm Phương Thảo, cùng các đồng sự lại đang đặt ra hướng phấn đấu cho thời gian tới của nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU