ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

HÃY VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH

Chị Trần Thị Thanh Thanh được bầu vào đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X từ năm 1992 đến năm 2002. Đối với chị đó là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Khi ấy chị được phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng phụ trách công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Công việc của chính quyền cũng mới mẻ, mà công việc là người đại diện cho dân cũng thật là bỡ ngỡ và khó khăn. Chị tự nhận thức được từ đây mình không phải chỉ sống cho bản thân, gia đình, chỉ có trách nhiệm với bản thân mình, gia đình, mà còn phải có trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước đối với việc chăm lo cho đối tượng mình phụ trách là trẻ em và có trách nhiệm đối với cử tri cả nước, trực tiếp là với cử tri của tỉnh Hà Tây. Trong quá trình đó, chị luôn cố gắng học hỏi từ trong sách báo, trong thực tiễn, trong kinh nghiệm của những người đi trước, từ bạn bè trong nước và quốc tế để nắm vững các chủ trương, chính sách và kỹ năng quản lý công việc. Điều trở ngại trong quá trình đó thường là phải đấu tranh với chính bản thân để vượt qua tính e dè của phụ nữ.

Chị còn nhớ cách đây 5 năm, khi Quốc hội thông qua Luật hôn nhân và gia đình chị đã vượt qua thử thách với chính mình để tự tin bảo vệ bằng được quy định vai trò của Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em đối với quyền được yêu cầu Tòa án xem xét các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Những năm đó, Nghị định của Chính phủ đã quy định rất rõ là Uỷ ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam có chức năng giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc giám sát … để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên có tình hình thực tế là nhiều trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột, nhiều người lớn, thậm chí cả cha mẹ các em còn vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng nhưng không bị Tòa án xử lý. Mặt khác còn tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ đối với trẻ em vị thành niên làm trái pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử…. Trước tình hình đó, các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã làm hết sức mình để có công văn đề nghị, kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, Tòa án… can thiệp nhưng do không có quy định của luật, nên không có cơ chế để tham gia một cách trực tiếp. Vì vậy, khi Quốc hội sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình, chị coi đây là cơ hội để xác lập cơ chế thực hiện bảo đảm vai trò giám sát. Trong quá trình dự thảo, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã có văn bản kiến nghị và được Ban soạn thảo chấp nhận đưa vào Dự án luật.

Trong quá trình thảo luận tổ và khi thông qua ở Hội trường, đã có một số ý kiến khá gay gắt không đồng tình để Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em với lý do “Uỷ ban không có chân rết xuống cơ sở”! “sợ Uỷ ban không có đủ điều kiện để điều tra, tìm hiểu tư liệu để chứng minh được trước tòa”, “sợ Uỷ ban không đủ điều kiện theo suốt quá trình tố tụng”.

Chị tự nhủ đây là quy định mới, từ trước tới nay chưa có tiền lệ nên để cho các đại biểu Quốc hội hiểu được và thông qua được điều này quả sẽ là một thử thách và lúc này không thể đặt sự e dè, xấu hổ của mình lên trên mà phải vì lợi ích của trẻ em và trách nhiệm lên trên. Dù có không được thông qua cũng phải nói cho hết lý lẽ. Từ đó, chị đã tập trung suy nghĩ để chứng minh một cách có sức thuyết phục. Chị còn nhớ mình đã tự tin để nói một cách rõ ràng, cô đọng về những căn cứ có tính nguyên tắc được quy định trong Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em mà Quốc hội đã thông qua năm 1991, những căn cứ quy định của Công ước về quyền trẻ em mà Quốc hội đã phê chuẩn năm 1990, những căn cứ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn mà Nghị định số 118/CP của Chính phủ đã quy định cho Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đồng thời kinh nghiệm của các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, kinh nghiệm của Pháp, Úc, Philippin…. về những tổ chức bảo vệ trẻ em, những tổ chức xã hội làm việc với trẻ em được quyền đề đạt trực tiếp với Tòa án những vấn đề liên quan đến trẻ em. Mặc khác, chị chứng minh cho các đại biểu thấy rằng thời gian vừa qua tuy chưa có cơ chế nhưng Uỷ ban đã tham gia vai trò Hội thẩm nhân dân ở các Tòa án địa phương, đã xây dựng lực lượng luật sư bảo vệ trẻ em, đã có những văn bản có đủ tư liệu chứng minh với Tòa án về các vụ việc vi phạm trẻ em và đã bảo vệ được quyền trẻ em qua các vụ kiện liên quan trẻ vị thành niên. Rất mừng là ý kiến của chị đã được nhiều đại biểu đồng tình, trong đó chị còn nhớ ý kiến chị Thu Ba, đại biểu đoàn Đồng Nai, nay là Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã có sự đồng tình rất xác đáng. Cuối cùng, điều này đã được thông qua với 326 phiếu tán thành trên tổng số 357 đại biểu có mặt. Chiếm 73,7%. Điều đó làm chị rất vui, bởi vì mình đã vượt qua được một thử thách với chính bản thân mình và hơn thế nữa là đã góp phần tạo được cơ chế giúp Uỷ ban hoạt động có hiệu quả hơn.

Qua kỷ niệm nhỏ này chị muốn nhắn nhủ với chị em lãnh đạo nữ, những ai vẫn còn một chút e dè làm cản trở quyết định của mình thì hãy mạnh dạn và tự tin hơn, nếu thấy rằng quyết định đó là đúng đắn, có cơ sở lý luận, có cơ sở thực tiễn và có lợi cho sự phát triển chung thì dù có 10% cơ may thành công cũng phải xem đó là đốm lửa để thắp sáng ngọn lửa quyết tâm thuyết phục, bảo vệ, kiên trì ắt sẽ thành công.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU