ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

THƯƠNG NHỚ CHỊ Y MỘT (Y PAH)

Bà Y Một nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Phó Chủ tịch Quốc hội (khóa VII), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum; Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai - Kon Tum; Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum…

Bà sinh năm 1939 trong cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng tại làng RiMek, xã Đắk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon - Tum; quê hương của bà là vùng đất nằm giáp biên giới Việt - Lào với những dãy núi rừng nối tiếp nhau hùng vỹ. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược và chiếm đóng nước ta. Vùng quê của Y Một cũng bị giặc Pháp cai trị. Y Một lớn lên trong cảnh cộng đồng dân làng bị quan đồn (quan Tây) cai quản áp bức, bóc lột. Nhưng ánh sáng cách mạng của Đảng đã kịp soi rọi đến vùng quê này; Y Một sớm được cán bộ cách mạng của Đảng dìu dắt giúp đỡ…dần bước giác ngộ và nhanh chóng trở thành chiến sỹ cách mạng.

Năm 1957, Y Một chính thức tham gia hoạt động cách mạng, bước đầu làm công tác giao liên đưa thư đến các điểm hẹn với bao bỡ ngỡ, nhưng rồi qua thực tế thử thách, với sự dìu dắt giúp đỡ tận tình của cán bộ cách mạng, tháng 8/1957, Y Một vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam.

Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - Ngụy từng là nơi chiến trường đỏ lửa là địa bàn ghi dấu những chiến công hiển hách vang dội. Bước trưởng thành của Y Một luôn hòa quyện với bước phát triển của phong trào cách mạng địa phương.

Từ năm 1960 khi phong trào đồng khởi diễn ra ở miền Nam, tại Đăk Glei, quê hương của Y Một diễn ra sự kiện nổi dậy của dân làng Tà Bok, sau đó là sự kiện quân dân địa phương trong một đêm tấn công tiêu diệt 6 đồn địch. Thắng lợi đó đưa đến sự kiện ra đời của Ủy ban Phong trào dân tộc tự trị tỉnh Kon Tum và Y Một được bầu làm Ủy viên của Ủy ban. Sau đó đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh (1962 - 1964). Những năm hoạt động trong phong trào Mặt trận, Y Một đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng được Đảng giao, đóng góp quan trọng vào việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, chống âm mưu phá hoại, chia rẽ của kẻ thù.

Là nữ chiến sỹ có nhiều thành tích trong công tác, chiến đấu, năm 1965 Y Một được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Kon Tum, Ủy viên Ban chấp hành phụ nữ khu V, Ủy viên Ban Chấp hành Hội phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. Với cương vị và trọng trách trong phong trào phụ nữ, Y Một luôn tiếp tục phát huy phẩm chất anh hùng cách mạng, hoạt động năng nổ tích cực, lập nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác, thể hiện vai trò của một cán bộ, Đảng viên tiên phong, con chim đầu đàn của phong trào phụ nữ Kon Tum - Tây Nguyên. Sau những năm được Đảng cử ra Bắc học tập và chữa bệnh (1964 - 9/1971), Y Một về lại quê hương đảm trách công tác dân vận, góp thêm những thành tích vào thắng lợi chung của chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (1972) giải phóng phần lớn địa bàn quê hương. Từ 1972 -1974, Y Một làm công tác dân vận đồng thời còn là Ủy viên quân sự 4 bên, đấu tranh thi hành Hiệp định Paris. Thành tích trong chiến đấu và công tác của Y Một trong những năm kháng chiến chống Mỹ có tiếng vang xa và sức lan tỏa rộng trong phong trào cách mạng của địa phương, khu V và toàn miền.

Từ sau năm 1975 - khi quê hương, đất nước được hoàn toàn giải phóng, đi lên xây dựng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nữ đồng chí Y Một vẫn gắn trọn của cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Những năm đầu giải phóng 1977 – 1978, Y Một được tổ chức cử đi học tập và đào tạo tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội). Thời gian theo học là quá trình Y Một có điều kiện tiếp nhận thêm những nội dung kiến thức mới, nhất là về lý luận cách mạng của Đảng.

Từng kinh qua các chức vụ quan trọng nhưng trên mỗi cương vị công tác, ở cấp Trung ương hay địa phương (tỉnh, huyện), bà Y Một vẫn luôn là một Đảng viên cộng sản trung kiên, chiến sỹ cách mạng xuất sắc, một cán bộ nữ tiêu biểu và là người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Khi tiếp xúc với những người sống xung quanh, những cán bộ đã từng công tác và những người đã mang ơn bà, chúng ta thêm rõ về bà - người con gái của dân tộc Giẻ Triêng – người đại biểu của nhân dân. Bà sống bình dị, chuyên cần, trong sáng và đáng kính. Chặng đường công tác của bà trong cách mạng, thật khó nói hết thành tích và công sức của bà.

Thành tích và công lao đóng góp của Y Một đối với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý khác.

Bà Y Một không còn nữa, nhưng công lao đóng góp của bà được Đảng và nhân dân ghi nhận. Chúng ta nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất như mong ước của bà ngày nào.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU