ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI CON GÁI CỦA QUÊ HƯƠNG BẮC GIANG

Do hoàn cảnh gia đình bần nông, kinh tế cực kỳ khó khăn, cố gắng học hết lớp 5 thì bà Nguyễn Thị Song nghỉ ở nhà làm ruộng giúp đỡ bố mẹ. Sống trong cảnh đất nước chiến tranh, bà sớm tham gia cách mạng, trở thành Phân đội trưởng thiếu nhi của xã. Những năm, 1958 – 1959, bà là một trong những người tích cực nhất tham gia công tác thanh niên ở địa phương. Tròn 18 tuổi, bà đã là Bí thư đoàn xã.

Thời kỳ ấy, đất nước đang trải qua những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nam giới tất cả đều lên đường, ở lại hậu phương chỉ còn người già, trẻ con và phụ nữ, thanh niên luôn là những người đi đầu trong các phong trào của địa phương. Với tư cách là Bí thư đoàn xã, bà Song được coi là tổng chỉ huy trong phong trào tham gia cải tạo đất bạc màu của xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, địa phương được Trung ương chỉ đạo cải tạo đất. Mỗi đêm chỉ ngủ vài tiếng, từ sáng sớm đến tối mịt, bà Song cùng cà con nông dân tích cực tham gia đắp bờ, làm thủy lợi, đào mương, san ruộng cao xuống ruộng thấp để có kết quả cuối cùng là…tăng thêm vụ.

Đất thôn Trung Hòa, xã Mai Trung là đất bạc màu, mỗi năm chỉ làm được hai vụ, nhưng từ khi cải tạo đất, người dân Mai Trung một năm đã là được ba vụ và đến thời điểm này thì một năm đã thâm canh được bốn vụ.

Với những sáng kiến trong khoa học kỹ thuật của mình, cuối năm 1966 bà Song tham gia Ban quản trị hợp tác xã Trung Hòa, phụ trách tổ Khoa học kỹ thuật. Với sức trẻ (lúc ấy bà Song mới chỉ 24 tuổi), sự năng động của mình, bà Song đã đem hết tâm huyết chỉ dẫn cho bà con nông dân làm nông nghiệp những phương thức mới về chăm sóc cây trồng, thủy lợi, đặc biệt là làm cây khoai tây theo kỹ thuật của Trung Quốc. Mô hình cải tạo đất bạc màu cũng như trồng cây khoai lang theo kỹ thuật mới trở thành mô hình được các địa phương trong toàn miền Bắc áp dụng học tập, tăng năng suất, tăng chất lượng cuộc sống. Vừa tròn hai lăm tuổi, bà Song đã vinh dự nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, đó là danh hiệu Anh hùng lao động trong ngành nông nghiệp…

Năm 1968, với sự tín nhiệm của bà con nông dân, bà Song được bầu làm Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Trung Hòa. Một năm sau, năm 1969, bà được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Trung Hòa đến tận ngày đất nước giải phóng. Năm 1975, Mai Trung hợp nhất các hợp tác xã toàn xã, bà Song, với kinh nghiệm gắn bó suốt hơn 20 năm với củ khoai, cây lúa, lại được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã. Bà Song bảo, cả đời bà gắn bó với nơi này, với hợp tác xã này, gắn bó với ước muốn làm thế nào để có thể nâng cao đời sống nhân dân. Trước khi đất Mai Trung được cải tạo, mỗi năm Nhà nước phải cứu đói cho xã 20 – 30 tấn gạo, nhưng từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật, đời sống được nâng lên, không còn cảnh cứu đói. Ngược lại, Mai Trung cũng là mô hình được rất nhiều nơi học tập. Kết quả đó là niềm tự hào của bà Song không chỉ trên cương vị Chủ nhiệm hợp tác xã mà còn là một đại biểu Quốc hội ba khóa liền (khóa V, VI, VII).

Nghỉ hưu từ năm 1984, hiện bà Song là Hội phó Hội người cao tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dưỡng sinh xã Mai Trung. Bà Song bảo, công tác tại địa phương cũng là những công tác vừa đem lại niềm vui, vừa đem lại sức khỏe cho mình lúc tuổi già. Ba năm liền từ 2002 – 2004, Câu lạc bộ dưỡng sinh do và Song phụ trách luôn luôn được giải nhất toàn tỉnh về dưỡng sinh…

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU