ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

ĐẠI TÁ HỒ THỊ BI - ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Đại tá Hồ Thị Bi, sinh năm 1916 trong một gia đình nghèo tại làng Tân Hiệp, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), cha mất sớm, vài năm sau mẹ ngã bệnh nặng. Mới lên 10 tuổi phải đi ở đợ, đi bán hàng rong kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em.

Lớn lên trong nghèo khổ, không được học hành nhưng bà đã có ý thức vươn lên vượt qua số phận, nhưng mãi đến khi gặp được những người cộng sản đang hoạt động trên đất Hóc Môn – 18 Thôn Vườn Trầu, bà mới tìm ra con đường tự giải thoát cho mình. Từ đó, bà hoạt động cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc theo lý tưởng cộng sản. Năm 1936, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, bà Hồ Thị Bi là Trưởng ban công tác thành số 12 kiêm Đại đội trưởng Đại đội 2804 Hóc Môn, sau là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935 thuộc Trung đoàn 312 Gia Định. Khi bà nhận Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Bác Hồ khen ngợi là “Gương sáng tích cực kháng chiến cho các chị em phụ nữ” và trong lần gặp Bác Hồ đầu tiên khi ra miền Bắc, bà được Bác Hồ gọi là “Nữ kiệt miền Đông” .

Năm 1960, khi đó bà là Đại úy, công tác tại bộ phận chính sách của Tổng cục chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam, được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa II thuộc đơn vị tỉnh Hòa Bình (tỉnh kết nghĩa với tỉnh Gia Định), bà được đắc cử với trên 90% phiếu bầu ở đơn vị bầu cử.

Mỗi khi đi tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử là tỉnh Hòa Bình, tỉnh có nhiều cử tri người dân tộc, bà luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Bà đến tận nhà dân, bản làng để tiếp xúc cử tri. Do vậy, bà được nhân dân các dân tộc trong tỉnh hết lòng yêu mến, có gì muốn nói họ đều tâm sự với bà một cách chân tình, xem bà như con em trong gia đình.

Bầu cử Quốc hội khóa III, bà được tiếp tục giới thiệu ra ứng cử và tái đắc cử. Ngoài làm nhiệm vụ người đại biểu Quốc hội, bà còn là một Đại úy, rồi được lên quân hàm Thiếu tá, Trung tá chăm lo chính sách hậu phương để cán bộ, chiến sỹ đang đánh Mỹ ở các chiến trường an tâm đánh giặc. Không quản ngày đêm, bất kể địch đánh phá thế nào, bà vẫn thường xuyên về các địa phương nắm tình hình và đề xuất chính sách chăm lo cho hậu phương. Tại Kỳ họp IV Quốc hội khóa II, bà đã đọc tham luận về chính sách hậu phương quân đội.

Năm 1972, để nắm sát thực tế của chiến trường, bà tình nguyện xin được đi về miền Nam công tác với tư cách là đặc phái viên của Cục chính sách thuộc Tổng cục chính trị bên cạnh Bộ chỉ huy Miền. Bà đã lặn lội xuống các chiến trường, các đơn vị để nắm xem cán bộ, chiến sỹ ta cần gì, tâm tư nguyện vọng của họ thế nào.

Tháng 1/1975, bà trở ra miền Bắc để làm kế hoạch chi viện cho miền Nam. Tháng 3/1975 bà lại trở vào Nam tiếp tục nhiệm vụ được giao.

Năm 1953, bà Hồ Thị Bi từ Nam ra Bắc với cuộc hành trình 6-7 tháng trời đi bộ, trèo đèo, lội suối, vượt núi cao, rừng thẳm. Từ năm 1973 đến 1975, bà lại 3 lần vào Nam ra Bắc bằng đường Trường Sơn.

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bà về công tác ở Quân khu 7 và sau đó về Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh với cương vị là Phó Chủ nhiệm chính trị. Trong cương vị và nhiệm vụ mới, bà đã hết lòng chăm lo cho các gia đình thương binh, bộ đội phục viên có nhiều khó khăn, giải quyết những tồn đọng trong việc thực hiện. Năm 1980, bà Hồ Thị Bi nghỉ hưu. Từ năm 1980 đến nay, tuy tuổi cao sức yếu nhưng với bản chất của người cộng sản chân chính, anh bộ đội cụ Hồ, bà không hề nghỉ ngơi, đa tham gia công sức xây dựng nhiều công trình lịch sử trên địa bàn thành phố. Bà là Ủy viên Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam và là Ủy viên thường vụ Hội cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1980, bà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU