ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

VẪN CÒN ĐÓ NỤ CƯỜI CHIẾN THẮNG

Ai đã tiếp xúc với chị Võ Thị Thắng, dù chỉ là lần đầu cũng cảm giác thân thuộc, bởi sự dịu hiền, nhẹ nhàng, khiêm nhường và lịch thiệp ở người phụ nữ này. Nụ cười chiến thắng của chị trước kẻ thù đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất khuất, lạc quan cách mạnh của nhân dân ta, của tuổi trẻ miền Nam – Thành đồng Tổ quốc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong ký ức của nhiều người chúng ta hôm nay vẫn còn nhớ rất rõ một sự kiện xảy ra cách đây hơn 37 năm. Ngày 2-8-1968, trước Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, sau khi nghe chúng kết án, chị Võ Thị Thắng đã bình tĩnh, tự tin, nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”.

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” với câu nói ngắn gọn, đanh thép của cô gái miền Nam, nữ sinh Sài Gòn Võ Thị Thắng đã làm rung động lòng người, tác động tích cực đến tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng của văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước vào thời bấy giờ. Tên của chị đã được đặt tên cho một số trường học của Cu-ba. Từ Hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Xuân Thủy đã xúc động làm bốn câu thơ đề tặng trên tấm hình chị:

“Kể chi hai chục năm tù

Ngày xuân phơi phới hẹn hò núi sông

Mặt em như tỏa ánh hồng

Miệng em như tận đáy lòng nở hoa”

Trong 6 năm ròng rã, chị Võ Thị Thắng đã bị kẻ thù đày đọa, giam cầm, tra tấn hết nhà lao này đến nhà lao khác: Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Hố Nai, Côn Đảo. Cuối cùng, theo Hiệp định Paris, địch đã phải trao trả chị và nhiều chiến sĩ cách mạnh khác cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh ngày 7-3-1974. Có thể nói, thời gian tù đày đằng đẵng đó là một trường học lớn đối với Võ Thị Thắng cũng như nhiều người tù chính trị khác để rèn luyện ý chí, lòng trung kiên và bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng.

Quê hương chị ở xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” mà cả xã, huyện, tỉnh đều được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chị sinh ra trong gia đình cách mạng đông con nên ba má chị rất vất vả lo kiếm ăn và nuôi dạy cho 9 đứa con (chị Thắng là út) khôn lớn nên người. Điều may mắn là tuy cực khổ, nhưng tất cả anh chị em đều theo chí hướng của ba má, trưởng thành trên cùng một chiến tuyến cách mạng. Tuổi thơ của chị vất vả, nhọc nhằn và đầy ắp những kỷ niệm gắn với quê hương.

Sau ngày hòa bình lặp lại, đất nước được thống nhất (30-4-1975) khi ở Thành đoàn rồi Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, chị vừa mải mê công tác vừa nuôi dạy hai con nhỏ, vừa tiếp tục học văn hóa để bù đắp những năm tháng hoạt động bí mật bị tù đầy và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Chị đã tốt nghiệp khoa sử, trường Đại học Tổng hợp, trường Đại học Pháp lý và Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Với sự phấn đấu và quá trình công tác của mình, chị Thắng được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, được trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VIII, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và nay là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, đại biểu Quốc hội khóa IX, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cu ba.

Từ khi tham gia cách mạng đến khi trở thành một cán bộ lãnh đạo cao cấp, chị Võ Thị Thắng cũng như các đồng chí trung kiên của Đảng, đã nếm trải nhiều thử thách cam go, tưởng chừng không vượt qua nổi, không chỉ trong hoạt động bí mật, bị kẻ thù bắt, tra tấn, tù đày mà cả trên chính trường, trong chuyển đổi nền kinh tế. Chị không chỉ được thử lửa trong chiến đấu mà còn vững vàng trong cơ chế thị trường. Chị luôn chấp hành đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lắng nghe cơ sở, gắn bó chặt chẽ với tập thể, với nhân dân trong mọi công việc, trong hoạt động đoàn thể, trong quản lý Nhà nước, trong công tác Đảng, cũng như khi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Chị là một cán bộ trung kiên, bộc trực, mạnh dạn trong đấu tranh, có chứng kiến rõ ràng, dám quyết định và chịu trách nhiệm về công việc do mình phụ trách.

Chị là một phụ nữ được giao trách nhiệm đứng đầu ngành du lịch – một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, nhạy cảm. Chị vừa phải điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động và chăm lo xây dựng nội bộ; vừa phải hoàn thành xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược ngành, xây dựng quy định, quy chế, góp phần xây dựng để ban hành Luật du lịch… Gần 10 năm qua, chị đã cùng tập thể chèo chống khá thành công để giữ vững và đưa ngành du lịch từng bước sánh vai cùng các nước trong khu vực và quốc tế, xứng đáng là ngành “kinh tế mũi nhọn” của đất nước.

Điều đáng quý là dù bận nhiều trọng trách, nhưng chị đã tạo được sự hài hòa giữa nhiệm vụ công tác với công việc của gia đình, vừa công tác tốt, vừa đảm đương bổn phận làm vợ, làm mẹ và làm nghĩa vụ thành viên trong gia tộc nội, ngoại như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Chị tâm sự: “Dù phụ nữ có “làm lớn” đến mấy cũng phải quan tâm chăm chút cho gia đình và giữ gìn bản sắc của người phụ nữ Việt Nam. Giữ gìn hạnh phúc gia đình và bản sắc phụ nữ chính là giữ cái “gốc”.

Mội khi ôn lại những chuyện đã qua, chị luôn nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ân cần dặn dò trong các lần cả nhà đến thăm Bác: “Cuộc sống mà quá bình lặng thì thật là vô vị, vô nghĩa. Ở đời khó nhất là biết sống, sống sao cho có ý nghĩa”.

Chị coi những lời của bác Phạm Văn Đồng là châm ngôn hết sức quý báu, sâu sắc đối với cuộc sống của chị.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU