ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI LUÔN QUAN TÂM TỚI NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI VÀ SỰ TIẾN BỘ CỦA CHỊ EM PHỤ NỮ

Khi đọc cuốn sách “Sống như Anh” của nhà văn Trần Đình Vân được viết cách đây 40 năm ca ngợi tấm gương hi sinh bất khuất của người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, đến đoạn viết về chị Y. bị kẻ thù giam cầm, tra tấn cực kỳ dã man, nhiều bạn trẻ đã không cầm được nước mắt. Mười đầu ngón tay chị Y. bị chúng đóng đanh nên máu chảy ròng ròng. Nhìn thân thể, mặt mũi chị mang nhiều thương tích, tưởng chị chỉ có thể rên được thôi, chứ sao hát nổi. Vậy mà chị vẫn giữ vững khí tiết Cách mạng và lạc quan, tin tưởng cùng chị em trong xà lim hát vang “Bài ca hy vọng”. Sau này nhiều người mới biết nhân vật Y. dũng cảm đó chính là chị Trương Mỹ Hoa (tên thân mật là Bảy Thư) quý mến. Chị bị kẻ thù bắt tù đày từ năm 1964, khi chị mới 19 tuổi. Hết nhà lao này đến nhà lao khác, ra đến tận “địa ngục trần gian” Côn Đảo, cả thảy chị đã bị chúng giam cầm suốt 11 năm trời. Tháng 3 năm 1975 ra tù, chị hăng hái tham gia vào chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh. Chị làm nhiệm vụ Đội phó đội 3 mũi tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu Gia Định. Rồi chị say sưa tham gia các công tác từ cơ sở phường, quận đến thành phố. Chị lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ như Bí thư Đảng ủy phường, quận ủy viên, thường vụ quận ủy, Phó bí thư, Bí thư quận ủy, rồi Thành ủy viên, thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Chị được trúng cử làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng 4 khóa liền: 6, 7, 8, 9 trong đó có khóa 7 chị tham gia Ban bí thư Trung ương Đảng. Chị được bầu làm Phó chủ tịch (khóa V, khóa VI), Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam kiêm Chủ tịch Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ( khóa VII, khóa VIII). Liên tiếp trong nhiệm kỳ Quốc hội các khóa IX, X, XI chị được bầu làm đại biểu Quốc hội, trong đó có khóa X chị đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Quốc hội. Hiện nay, chị là Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương.

Vốn là một cán bộ trưởng thành từ thực tiễn phong trào cách mạng nên chị luôn giữ được sự giản dị, gần gũi, dễ hòa đồng và nhanh chóng được quần chúng tin mến. Ngoài thời gian nghiên cứu, chị còn chịu khó lăn lộn với thực tế phong trào, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của đông đảo cử tri và chị em phụ nữ. Được phân công tham gia theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện các Quy chế dân chủ ở cơ sở, chị thường đau đáu suy nghĩ và đề xuất được nhiều ý kiến sâu sát đối với nhiều địa phương để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mảng công tác hết sức quan trọng, liên quan đến lợi ích thiết thân của mỗi người dân này.

Tháng 8 - 2000, sau khi đi giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là về chủ trương xóa đói, giảm nghèo ở 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, trở về, chị Trương Mỹ Hoa nói với chúng tôi suy những suy nghĩ của mình: “Cần nhìn nhận giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo từ 2 phía. Người nghèo phải tự cố gắng vươn lên và Nhà nước, xã hội phải quyết tâm, trợ giúp cho người nghèo. Chúng ta không chỉ cung cấp cho bà con “cần câu” mà điều quan trọng là phải bày cho họ biết cách câu cá, biết làm ăn sao cho có hiệu quả”.

Điều đáng quý ở chị Mỹ Hoa là tấm lòng và sự quan tâm hết sức sâu sắc của chị đối với vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ của chị em phụ nữ ở trong nước cũng như trên thế giới. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, kéo theo đó, các tổ chức quần chúng tiến bộ trên thế giới cũng bị mất chỗ dựa, khủng hoảng trầm trọng, gần như sụp đổ, trong đó có tổ chức Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế - một tổ chức phụ nữ duy nhất và lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Trước tình hình đó, với cương vị là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ủy viên Ban lãnh đạo Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, chị cùng với Thường trực Ban lãnh đạo Liên đoàn, gồm lãnh đạo phụ nữ các nước Pháp, Cu-Ba, Palestine, Li-Băng đã phân tích tình hình, góp phần giải quyết dứt điểm những vấn đề nội bộ, củng cố bộ máy lãnh đạo liên đoàn, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Liên đoàn phù hợp đặc điểm tình hình thế giới cùng như tình hình của Liên đoàn. Sau đó, năm 1995 Liên đoàn tiến hành Đại hội, còn gọi là “Đại hội hồi sinh” của Liên đoàn tại Thủ đô Pari (Pháp), chị được vinh dự thay mặt Đại hội đọc lời kêu gọi phụ nữ toàn thế giới đoàn kết lại, lên án chiến tranh, phân biệt chủng tộc, áp bức, nghèo đói, bệnh tật, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em… đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam, nữ. Chị còn được cử làm thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn phụ nữ các nước Đông Nam Á (ACWO) và là đồng Chủ tịch Hội nghị phụ nữ toàn cầu 2004 tổ chức tại Xơ-un (Hàn Quốc). Với tư cách là trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh về phụ nữ do Liên hiệp quốc tế tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để chuẩn bị cho phụ nữ toàn cầu bước vào thế kỷ XXI, chỉ đã tham luận về vấn đề bình đẳng phụ nữ và đoàn Việt Nam đóng góp tích cực xây dựng thành công chiến lược hành động Bắc Kinh.

Khi làm Bí thư Trung ương Đảng, được phân công theo dõi công tác cán bộ nữ, chị đã cùng Đảng đoàn phụ nữ Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 44 về công tác cán bộ nữ và đề xuất để Bộ Chính trị ra Chỉ thị 37 về công tác cán bộ nữ trong giại đoạn mới và Nghị quyết số 04 về đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Nghị quyết đó đã góp phần tạo ra sự chuyến biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các tổ chức Đảng và toàn xã hội đối với công tác cán bộ phụ nữ. Một trong những kết quả đạt được là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong mấy nhiệm kỳ Quốc hội gần đây đều tăng lên rõ rệt (khóa IX: 18,5; khóa X: 26,22% và khóa XI hiện nay đạt cao nhất 27,31%, đứng hàng thứ nhất khu vực Châu Á).

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X, chị đã tích cực chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc giúp các địa phương lựa chọn bảo đảm đủ chất lượng và số lượng nữ tham gia đại biểu Quốc hội theo dự kiến.

Chị cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo khác rất mong muốn tỷ lệ nữ đại biểu các cơ quan dân cử và số chị em tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước mỗi ngày một nhiều thêm nữa. Về làm việc ở địa phương nào, chị cũng chú ý quan trọng đến tình hình chung, nhất là việc sử dụng, phát huy vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nói riêng.

Chị Mỹ Hoa đã góp phần chỉ đạo, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khác để giúp Quốc hội khóa X trong việc thông qua Luật hôn nhân và gia đình và sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động, là những đạo luật đề cập nhiều vấn đề xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ, gia đình và trẻ em.

Trong cuộc sống đời thường, chị Trương Mỹ Hoa luôn giữ được sự khiêm tốn, chan hòa với mọi người xung quanh. Chị cố gắng học tập, trau dồi, nâng cao kiến thức để phục vụ cho công tác chuyên môn của mình. Một điều đáng nói nữa là chị được sinh ra trong một gia đình cả nhà đều là chiến sỹ biệt động cách mạng. Trừ ba chị là cán bộ đi tập kết ở miền Bắc, còn ở lại miền Nam có má và tất cả các con (6 con ruột, 3 con rể, 2 con dâu) đều là “lính biệt động”. Chắc chắn là truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần cổ vũ, động viên chị và những người thân yêu của chị trên con đường phục vụ cách mạnh, phục vụ đất nước.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU