ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI CON GÁI PHÚ YÊN

16 tuổi chị được giác ngộ Cách mạng, 19 tuổi chị thoát ly hẳn gia đình, đi hoạt động Cách mạng. Từ sau ngày giải phóng, chị chuyển sang Hội phụ nữ với nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh. Được sự tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân địa phương, chị đã tham gia 3 khóa tỉnh ủy, 3 khóa Hội đồng nhân dân tỉnh, 3 khóa Quốc hội. Hiện nay, chị Trần Thị Minh Chánh, đang đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Hơn 40 năm công tác là hơn 40 năm hoạt động không mệt mỏi của người phụ nữ, người con của quê hương Phú Yên anh hùng.

Chị sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa. Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với chị thời thơ bé đó chính là cha chị - Anh hùng lực lượng vũ trang – Liệt sỹ Trần Quốc Tuấn. Ngày ấy, cha chị thường xuyên vắng nhà. Nhưng trong mắt chị, cha bí mất đi đi, về về bàn bạc hoặc làm công việc gì đó đối với một số người. Lớn thêm một chút, chị mới biết ba mình đang làm Cách mạng. Ba vừa vận động nhân dân tham gia kháng chiến, vừa cùng đồng đội tìm cách cải tiến bom mìn của địch để đánh địch. Và một ngày kia, chị còn phát hiện ra rằng, cả nhà mình đều làm Cách mạng. như một lẽ thường tình, chị cũng dẫn thân vào con đường đầy nguy khó ấy. Chị được giao nhiệm vụ vừa làm công tác phụ vận, vừa tham gia đấu tranh vũ trang. Trong chiến đấu, chị có tiến là cô bé gan góc, kiên cường, bám trụ. Năm 1969, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Địch rà đi, soát lại nhiều lần ở vùng ven thị xã Tuy Hòa trong đó có Phú Hòa quê chị. Nhiều cán bộ của Đảng, của Cách mạng đã hi sinh, ba chị cũng hi sinh trong năm 1970. Riêng chị rất nhiều lần thoát hiểm. Còn nhớ một ngày đầu năm 1973, nghe tin chị về thôn công tác, cả một đại đội địch đổ quân vào đó hòng bắt sống chị. Nhờ nhanh nhẹn, mưa trí, lại được sự chở che, giúp đỡ của nhân dân, lần ấy, chị không bị lọt vào vòng vây kẻ thù. Dân làng Hòa Định Đông nhiều người còn nhắc lại câu chuyện này, mỗi khi chị về thăm quê.

Ngày giải phóng, tròn 27 tuổi, chị chuyển sang công tác phụ nữ. Lại tiếp tục chặng đường mới với những gian khó mới; vừa công tác hội, vừa học tập và vừa chăm lo xây dựng tổ ấm gia đình. Công việc nào chị cũng cố gắng làm sao cho trọn vẹn. Dù đó là xuống xã, bản, thôn, phát triển hội viên, xây dựng phong trào phụ nữ, hay đó là chăm chút con thơ cho chồng yên tâm đi làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn. Lại có những năm chị nén lòng, gửi con cho cơ quan, cho bè bạn để tham gia khóa học dài hạn tại Hà Nội. Cho đến nay, chị vẫn luôn tri ân những cán bộ lãnh đạo, những người chị, người bạn ở địa phương đã hết sức quan tâm, động viên, giúp đỡ để chị phấn đấu, trưởng thành. Năm 2002 được bầu giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lại một lần nữa chị xa quê, xa nhà…Nhiệm vụ mới, nhưng với kiến thức, vốn sống được tích lũy từ hơn 40 năm công tác, chị nhanh chóng làm quen, hòa nhịp. Chị đã có nhiều chuyến đi đầy khó khăn về mọi miền Tổ quốc; nhiều đợt tìm hiểu công tác chăm lo cho đối tượng chính sách; chăm sóc sức khỏe nhân dân; xóa đói giảm nghèo; phòng chống các tệ nạn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và người lao động…Từ thực tiễn cuộc sống ở quê hương mình, nay có dịp đi khảo sát, giám sát ở nhiều địa phương khác chị rút ra nhiều vấn đề chung, bổ ích. Cùng tập thể thường trực và các thành viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội, chị nghiên cứu thẩm tra và đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề còn bất cập về chủ trương, chính sách, luật pháp, nhất là trên lĩnh vực xã hội; góp ý với Quốc hội xây dựng và sử đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật.

Chị luôn nhắc lòng mình; phải luôn cố gắng trau dồi đạo đức, vốn sống; phải luôn cố gắng công tác để xứng đáng là người đại biểu của dân. Chị luôn tâm niệm: cử tri tin yêu, tín nhiệm mình; gia đình đã tạo điều kiện cho mình; đồng chí, đồng nghiệp đang từng ngày sẻ chia sự vất vả, khó khăn trong công tác với mình, thì mình phải sống sao cho xứng đáng với mọi người.

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU