ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

HỒ THỊ HỒNG NHUNG: CANH CÁNH NỖI LÒNG

Sinh tận đất mũi Cà Mau, nhưng lớn lên trên quê hương Đồng Khởi anh hùng, chị là một trong bốn người con còn sống sót sau chiến tranh của liệt sỹ Nguyễn Thị Huỳnh Anh – bà mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sỹ Hồ Văn Ngưn. Cha mẹ của chị là người khởi nguồn và truyền sự cảm nhận của mình cho các con về nỗi đau khi nước mất nhà tan, chia sẻ cùng với người dân hiền lành, vô tội đã bị giặc giết trên quê hương của mình.

Theo thời gian, cha mẹ chị đã lần lượt đón các anh chị em vào bưng biền theo kháng chiến. Chưa tròn 16 tuổi, khi đang làm thư ký đánh máy cho Ban tuyên huấn huyện ủy Châu Thành (Bến Tre) chị phải chịu nhiều cái tang lớn trong gia đình. Tháng 3/1969, mẹ chị hi sinh, từ đó đến tháng 2/1970 lần lượt hai người anh trai, hai em trai, một chị dâu và người cha hi sinh. Tháng 9/1969, chị bị giặc bắn bị thương và bắt dưới hầm bí mật cùng một đồng đội. Mới 16 tuổi chị đã bị giặc tra tấn cực hình, chúng buộc chị khai báo các hầm bí mật khác, địa bàn đóng quân, tổ chức Cách mạng và cán bộ lãnh đạo trong suốt thời gian gần hai tháng nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, bảo vệ đồng đội. Cuối cùng chúng đành phải thả chị và người đồng chí của mình vì không khai thác được gì ở chị. Lúc này, chị phấn đấu lắm mới cân bằng lại chính mình để tiếp tục hoạt động, vì bây giờ chị là người duy nhất gánh vác trách nhiệm với gia đình.

Sau đó, suốt 6 năm lăn lộn trong bưng biền, nhiều lần tưởng như không thể sống được nữa song chị đã vượt qua tất cả đến tận ngày giải phóng. Tuổi xuân của chị đã đi cùng cuộc chiến tranh khốc liệt. Hòa bình, thống nhất chị lại lao vào cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, hàn gắn vết thương chiến tranh trên chính mảnh đất quê hương mình với cương vị Trưởng phòng Giáo dục huyện Châu Thành.

Bây giờ, với trách nhiệm một đại biểu dân cử (6 khóa là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, 4 khóa đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 3 khóa đại biểu Quốc hội), chị luôn tâm niệm phải đóng góp hết sức mình để quê hương, đất nước phát triển ngày càng vững mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, chị không khỏi băn khoăn trước nhiều vấn đề nổi cộm đang đặt ra cho toàn xã hội. “Một trong những vấn đề tôi rất quan tâm trong những năm gần đây là người lao động từ nông thôn đổ ra các thành phố, đô thị lớn hiện nay để tìm kiếm việc làm. Có thể nói họ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của các thành phố nhưng việc tiếp cận các phúc lợi như y tế, giáo dục, nhà ở…chưa được thuận lợi. Đây chính là bất cập mà chúng ta cần sớm có chính sách lớn để điều chỉnh. Có như vậy mới dần xóa đi khoảng cách giàu nghèo hiện nay trong xã hội”. Trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, chị rất đau lòng khi nhiều cử tri chất vấn các đại biểu Quốc hội về tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay của không ít cán bộ, đảng viên làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân lo lắng, mất niềm tin. Điều đáng nói là tình trạng này còn xảy ra đối với một số người trước kia có những đóng góp không nhỏ để giành độc lập dân tộc. Vì thế, theo chị trong khâu chọn lựa cán bộ phải đặt tư cách, phẩm chất lên ưu tiên hàng đầu, bởi khi phẩm chất đạo đức người đó không trong sáng thì kéo theo những hành vi xấu sau này là điều rất khó tránh khỏi.

Hiện nay đang tồn tại một hiện tượng rất nguy hại, đó là sự vô cảm. Trước nhiều vấn đề bức xúc của dân, nhưng khi phản ánh với một số cán bộ, thì họ lại nhận được sự thờ ơ trước nỗi đau của người đã hết lòng tin cậy mình. Điều này ngược hoàn toàn với những gì chị được Đảng giáo dục, không xứng với sự tin tưởng của cử tri đối với mình. Những vấn đề này được chị nên lên tại nhiều diễn đàn và được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Nói lên được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân với lãnh đạo Đảng và Nhà nước là niềm động viên, an ủi lớn nhất đối với những đại biểu như chị trong quá trình hoạt động. 

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU